Những ngày tháng Bảy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước đang sôi nổi các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hướng tới kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7), chúng tôi may mắn được cùng Đoàn công tác của tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan làm Trưởng đoàn đã đến tỉnh Hà Giang – mảnh đất linh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc để tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên.
Sống bám đá đánh giặc
Sau hành trình hàng trăm km với những quãng đường đèo dốc hiểm trở, quanh co, chúng tôi đặt chân đến Hà Giang – mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Nơi đây gần 4 thập kỷ về trước, mưa bom bão đạn đổ xuống, biết bao anh hùng, liệt sĩ đã nằm lại để giữ lấy từng tấc đất thiêng liêng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên – biểu trưng cho sức sống quật cường của nhân dân các dân tộc trên mảnh đất Hà Giang. Ảnh: Trà Hương
Nằm sát bên QL2, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên nằm tựa lưng vào dãy núi Tây Côn Lĩnh, hướng ra phía trước là dòng sông Lô lịch sử. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 1.800 anh hùng, liệt sĩ, trong đó có hơn 100 người con quê hương Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Ấy cũng là biểu trưng cho sức sống quật cường của nhân dân các dân tộc anh em trên mảnh đất Hà Giang.
Mặt trận Vị Xuyên là chiến trường ác liệt chống quân xâm lược đặc biệt trong giai đoạn từ 1984-1989 với hàng trăm trận chiến đấu diễn ra khốc liệt, nhiều cán bộ chiến sĩ ở mọi miền đất nước và đồng bào ta đã hy sinh trên mảnh đất này. Đây là cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất kể từ sau khi Viêt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ.
Ác liệt nhất, có đợt, chỉ trong 3 ngày, phía Trung Quốc đã bắn hơn 100.000 quả đạn pháo từ khu vực Vị Xuyên đến thị xã Hà Giang. Trong 5 năm, Trung Quốc đã bắn vào mặt trận Vị Xuyên hơn 1,8 triệu viên đạn đại bác.
Trên “đất mẹ” thiêng liêng, quân ta bám trụ từng điểm cao, từng mỏm đá, tấc đất. Có những quả đồi diễn ra hàng chục trận đánh giành đi, giật lại giữa ta và địch. Không một hòn đá, không một mét đất nào ở Vị Xuyên không thấm máu người lính Việt Nam. Hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống hoặc bỏ lại một phần cơ thể nơi rừng sâu núi thẳm.
Một trong những trận đánh khốc liệt nhất của chiến dịch bảo vệ biên giới diễn ra ngày 12/7/1984. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là có sự chênh lệch lớn về quân số giữa ta và địch cùng địa hình phức tạp, chỉ trong một ngày phía ta có tới 600 chiến sĩ hy sinh. Sư đoàn 356 chịu tổn thất lớn, vì thế sau này, các cựu binh lấy ngày 12/7 hằng năm làm ngày giỗ trận của sư đoàn.
Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh này, ta đo lại, có ngọn núi bị đánh bạt đi hơn 3m. Ác liệt đến mức anh em gọi đó là “lò vôi thế kỷ”. Trong đó, nhiều trận đánh giành, giữ đất của quân và dân ta diễn ra vô cùng quyết liệt trên các cao điểm 1509, 1100, 772, 685, Đồi Đài, Cô Ích… ta đã tiêu diệt và làm bị thương hàng vạn quân Trung Quốc, buộc họ phải rút quân về bên kia biên giới.
Thắng lợi oanh liệt nhưng tổn thất của chúng ta cũng rất to lớn. Hơn 4000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đã anh dũng hy sinh mà phần lớn trong đó tuổi đời mới trên dưới 20. Hàng ngàn người bị thương, hàng trăm thôn bản bị xóa sạch. Hàng ngàn héc ta ruộng vườn, đồi núi bị cày xới, đầy bom mìn, vật nổ… Đến nay, vẫn còn hàng ngàn liệt sĩ nằm rải rác trên khắp chiến trường Vị Xuyên mà chúng ta chưa tìm được hài cốt, nhiều mộ liệt sĩ chưa có tên trong nghĩa trang…
Không chỉ tổn thất lớn bởi con số 4.000 chiến sỹ hy sinh, hơn 9000 cán bộ chiến sĩ bị thương, mà riêng tỉnh Hà Giang còn huy động hàng chục nghìn dân công hỏa tuyến cùng hơn 20 nghìn dân quân miền xuôi tham gia đào đắp hàng vạn mét hào, đường giao thông, chi viện lương thực, thực phẩm… để xây dựng phòng tuyến. Bởi vậy, đó là chiến thắng của sự quyết tâm giữ vững chủ quyền biên giới. Lịch sử không quên, không thể nào quên và không ai được phép quên.
Để rồi hôm nay, thế hệ chúng ta có thể cảm nhận được biểu tượng hào hùng mà đau thương về tinh thần vệ quốc bất khuất của dân tộc Việt Nam từ Nhà tưởng niệm tri ân các anh hùng, liệt sĩ của toàn mặt trận Vị Xuyên; là Đền thờ các anh hùng, liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên ở điểm cao 468 – nơi có thể nhìn sang các điểm cao 772, 685 và hướng tầm mắt tới điểm cao 1509, điểm phân giới mốc biên giới Việt – Trung.
Nhìn mỏm núi xanh ngắt thấp thoáng giữa lớp lớp mây trắng vờn bay, nhiều cựu chiến binh nghẹn ngào chia sẻ về những đồng đội của họ đã sống bám núi đá, ẩn mình trong đá, chết hóa đá, yên nghỉ giữa mây trắng ngàn năm, nhưng họ cũng sẽ như lòng người dân đất Việt, là lũy đá bất tử, ngăn bước quân thù.
Chết hóa đá bất tử
Những ngày tháng Bảy này, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên luôn ngan ngát hương trầm. Tới điểm linh thiêng miền biên viễn có những cựu chiến binh đi thăm phần mộ đồng đội, vợ viếng mộ chồng, con thăm mộ cha và những đoàn khách từ mọi miền đất nước mong muốn tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, tưởng nhớ những đồng bào đã ngã xuống bởi đạn pháo quân thù.
Các thành viên trong Đoàn công tác của tỉnh thắp hương tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. Ảnh: Trà Hương
Đặt bó hoa tươi thắm, thắp những nén hương thơm lên trước Đài Tổ quốc ghi công, trước anh linh các anh hùng, liệt sĩ, thay mặt Đoàn công tác Vĩnh Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan bày tỏ lòng thành kính đối với những người đã không tiếc máu xương, hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho nền độc lập, tự do của dân tộc. “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử” các anh hùng, liệt sĩ ở Vị Xuyên đã viết nên những trang sử vàng chói lọi, soi đường cho các thế hệ sau tiếp bước.
Điều đáng nói, tinh thần và ý chí của những người đã hy sinh nơi đây vẫn luôn và sẽ sống mãi với tình yêu thương của đồng bào, đồng chí. Dẫu chẳng nói ra, nhưng các thành viên trong đoàn đều cảm nhận được “Đó chính là sự trường tồn, bất diệt và cũng là chân lý, là lẽ sống mà không một thế lực nào có thể khuất phục được. Vì thế, chúng ta mãi mãi ghi tạc và đời đời biết ơn sự hy sinh to lớn đó”.
Biên cương tươi đẹp hôm nay không chỉ là nơi hàng ngàn thanh niên tuổi đôi mươi trên mọi miền Tổ quốc gác lại tuổi thanh xuân để sống cho lý tưởng, cho Tổ quốc, bảo vệ từng tấc đất quê hương. Ngay cả khi thời bình thì tinh thần ấy vẫn bất diệt. Hơn 40 năm đã trôi qua, thế hệ trẻ ngày hôm nay lại tiếp tục sự nghiệp ấy. Trên mảnh đất này, những người lính trẻ vẫn chắc tay súng chiến đấu với tinh thần “một tấc đất không lùi”.
Để rồi mỗi dịp tìm về nơi linh thiêng miền biên ải Vị Xuyên, những chứng tích hào hùng mà bi thương đó luôn nhắc nhở mỗi chúng ta về chủ quyền biên giới, về cương vực lãnh thổ ngàn đời cha ông để lại; nhắc nhở mỗi người dân nước Việt về hòa bình, độc lập, tự do, tự cường!
Thiệu Vũ