Đứng trước những hàng bia mộ lặng lẽ trang nghiêm, hình ảnh quốc kỳ 2 nước Việt Nam – Lào kề vai, sát cánh trên các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt-Lào, mỗi người trong đoàn chúng tôi đều thành kính biết ơn những người con ưu tú đã ngã xuống vì Tổ quốc và nhiệm vụ quốc tế cao cả. Trong số gần 11.000 anh hùng, liệt sĩ trên cả nước yên nghỉ nơi đây, có 69 người con quê hương Vĩnh Phúc đã chiến đấu quả cảm, anh dũng hy sinh vì nền độc lập của hai dân tộc, vì tình anh em Việt – Lào.
Những ngày tháng 7, nhiều đoàn người từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt-Lào bày tỏ lòng biết ơn với sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ
Tháng 7 – hòa cùng không khí cả nước hướng tới các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Lưu Văn Dũng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH làm Trưởng đoàn cùng các thành viên về với mảnh đất Nghệ An đầy máu lửa trong kháng chiến, đến với huyện Anh Sơn – nơi các chiến sĩ tình nguyện và chuyên gia quân sự của Việt Nam từng tham gia chiến đấu và yên nghỉ trên đất bạn Lào.
Vượt quãng đường hơn 400 cây số, tuy đã khá mệt, song ai nấy đều háo hức, mong chờ đến thăm nghĩa trang đặc biệt mang tên 2 quốc gia Việt Nam – Lào. Tọa lạc trên quả đồi rộng lớn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt-Lào có diện tích hơn 7 ha. Cảm nhận đầu tiên là sự uy nghiêm, hùng tráng, với những hàng cây xanh rợp bóng mát như che chở linh hồn các liệt sĩ nơi đây.
Cả một không gian mênh mông, đâu đâu cũng tràn ngập tình đồng đội, tình đồng chí. Không khó để bắt gặp những người vợ tới thăm chồng, những người cựu chiến binh tới thăm đồng đội, người con tới thăm cha cùng các đoàn thể, tổ chức chính trị, đoàn viên, thanh niên… Mọi người cùng nhau thành kính thắp nén nhang thơm, tri ân tưởng nhớ đến các anh hùng, liệt sĩ.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt-Lào được xây dựng từ năm 1976 và là nghĩa trang quốc tế lớn nhất cả nước quy tập các mộ liệt sĩ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam từng tham gia chiến đấu, hy sinh tại nước bạn Lào. Đây cũng là nghĩa trang duy nhất của Việt Nam mang tên hai quốc gia, hai dân tộc anh em Việt – Lào.
Tính từ khi xây dựng cho đến nay, nghĩa trang đã tiếp nhận và chăm sóc gần 11.000 hài cốt các liệt sĩ của 47 tỉnh, thành phố trên cả nước. Nghĩa trang có 2 khu, gồm khu A có 9 lô với 5.381 ngôi mộ; khu B có 13 lô với 5.219 ngôi mộ.
Đại diện Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt-Lào cho biết: Trong số gần 11.000 ngôi mộ, đến nay mới xác định được danh tính của hơn 3.000 anh hùng, liệt sĩ, trong đó có 69 liệt sĩ là người con quê hương tỉnh Vĩnh Phúc, còn hơn 7.000 phần mộ vẫn chưa xác định được tên, quê quán. Đây cũng là niềm trăn trở của đơn vị quản lý khu di tích, các thế hệ hôm nay và mai sau.
Trên tấm Văn bia tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt-Lào do Giáo sư Phan Ngọc soạn thảo có đoạn:“Chiếm Lào để chiếm Việt, thực dân Pháp trăm mưu nghìn kế, ách áp bức hòng tái lập nặng đè; Giúp bạn chính giúp mình, nhân dân ta cả nước một lòng, xiềng nô lệ quyết phen này xóa bỏ/Quân dân ta lên đường, xa gia đình, Tổ quốc, chân sắt vai đồng, Việt-Lào chung sức chiến đấu, đâu kể hy sinh, vì tự do, hạnh phúc, gan vàng dạ ngọc quốc tế một lòng ủng hộ, ngại gì gian khổ”.
Các thành viên Đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc thắp nén nhang thơm bày tỏ lòng biết ơn các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì tình anh em Việt-Lào
Những câu nói đanh thép, thể hiện mối quan hệ sắt son, tình anh em ruột thịt, vì nền độc lập, luôn kề vai, sát cánh. Thấm nhuần tinh thần đó, những chiến sĩ tình nguyện của quê hương Vĩnh Phúc đã xung kích ra chiến trường quốc tế, chiến đấu quả cảm, bỏ lại xương máu trên đất bạn, quyết tâm gìn giữ nền hòa bình, độc lập cho thế hệ mai sau.
Kết thúc phần lễ, chúng tôi chia nhau đến thăm các phần mộ liệt sĩ, dâng nén nhang thơm, tỏ lòng thành kính, biết ơn. Dù khuôn viên nghĩa trang bao la như biển cả, song dường như được anh linh của các anh chỉ đường soi lối, chỉ sau ít phút di chuyển từ Đài tưởng niệm, chúng tôi đã có mặt trước phần mộ của các anh hùng, liệt sĩ: Nguyễn Văn Cho, quê quán xã Phú Thịnh, huyện Vĩnh Tường; Bùi Đình Giao, quê quán huyện Yên Lạc; Túc Hàn Thư, quê quán huyện Lập Thạch; Nguyễn Văn Thảo, quê quán xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch…
Đứng trước những phần mộ của các anh hùng, liệt sĩ quê hương Vĩnh Phúc, mọi thành viên trong đoàn đều chững lại giây phút, càng cảm nhận rõ hơn lòng biết ơn vô hạn với sự hy sinh của các thế hệ cha anh đã chiến đấu vì quê hương, đất nước và nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Với tôi, sau chuyến đi này, nhắc đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt-Lào nằm trên mảnh đất quê hương Anh Sơn (Nghệ An) luôn có một cảm xúc khó tả – như một tiếng gọi thiêng liêng, bởi mảnh đất ấy là nơi yên nghỉ của các thế hệ cha anh là người con quê hương Vĩnh Phúc đã hy sinh xương máu để có được nền độc lập, hòa bình như hôm nay cho 2 quốc gia Việt Nam – Lào.
Bài, ảnh: Chu Kiều