Truyền thuyết thờ Hùng Vương kể rằng, xưa kia nhân dân chưa biết cày, cấy làm ra thóc gạo mà chỉ sống dựa vào rễ cây, rau dại, thịt thú rừng, thấy vùng đất ven sông sau mỗi lần nước dâng, đất đai được phù sa bồi thêm màu mỡ mới gọi dân đến bảo tìm cách đắp bờ giữ nước.
Một hôm các con gái Vua Hùng theo dân đi đánh cá bên sông thấy chim từng đàn bay lượn khắp bãi, chợt có một con chim thả bông lúa rơi trên mái tóc một Mị nương. Nàng đem bông lúa về trình với cha. Vua Hùng bấy giờ cho là điềm lành liền bảo các Mị nương ra bãi tuốt các bông lúa đó đem về.
Mùa Xuân, Vua Hùng cùng con dân đem các hạt ra đồng. Vua xuống bãi, lấy que nhọn chọc lỗ để tra hạt. Khi mạ lên, dân không biết cấy trồng nên Vua Hùng đã nhổ mạ lên, đem tới những tràn ruộng, lội xuống cấy cho dân xem. Các Mị nương và nhân dân thấy vậy cùng làm theo.
Đời sau, nhân dân nhớ công ơn Vua Hùng, đã tôn Người làm ông tổ nghề nông và dựng đàn Tịch Điền quay lưng về hướng Tây Nam ngay trên mỏm đất Vua Hùng ngồi khi dạy dân cấy lúa; đặt kho lương thực trên đồi Lúa, để rạ ở đồi Rơm, đặt tên chợ là Chợ Lú.
Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa 2024 được tổ chức vào đầu xuân Giáp Thìn, với không gian trải dài theo đất phát tích; tạo nên điểm nhấn văn hóa tâm linh, văn hóa phồn thực cho thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc.
Đây cũng là cơ sở để tỉnh Phú Thọ xây dựng hồ sơ di sản trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét duyệt lễ hội “Vua Hùng dạy dân cấy lúa” là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, góp phần quy hoạch khu di tích trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn, phục vụ đồng bào và du khách thập phương.