Trưởng đoàn mục sư Tin lành quốc tế Bob Roberts chia sẻ cảm nhận về tình hình các tôn giáo và sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam sau các buổi làm việc và tham quan tìm hiểu thực tế tại đất nước hình chữ S.
Mục sư Bob Roberts, Chủ tịch Viện Liên kết toàn cầu (IGE), Mỹ, Trưởng đoàn mục sư Tin lành quốc tế. (Ảnh: Thu Trang) |
Trả lời Báo Thế giới và Việt Nam, mục sư Bob Roberts, Chủ tịch Viện Liên kết toàn cầu (IGE), Mỹ, Trưởng đoàn mục sư Tin lành quốc tế đang có chuyến thăm Việt Nam, bày tỏ đánh giá cao sự phát triển tự do, mạnh mẽ và sống động của các tôn giáo tại đất nước hình chữ S.
Ông có thể cho biết mục đích của đoàn mục sư Tin Lành quốc tế đến Việt Nam lần này và cảm nhận của ông về đất nước Việt Nam?
Tôi đã đến Việt Nam lần đầu tiên từ năm 1995 và hiện tôi lãnh đạo hai tổ chức hoạt động tại Việt Nam. Tổ chức đầu tiên là Global Ventures, một tổ chức kết nối con người dựa trên công việc, ví dụ như giáo viên kết nối với giáo viên, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp kết nối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Chúng tôi xây dựng cầu nối, giao lưu giữa các dân tộc và công việc nhân đạo.
Tổ chức thứ hai là Viện Liên kết toàn cầu (IGE), tập trung vào tự do tôn giáo trên toàn cầu và chúng tôi đã từng có hoạt động tại Việt Nam vào năm 2004.
Trở lại sau 20 năm, tôi đang đưa một nhóm các mục sư quốc tế đến để họ thấy những gì đã diễn ra ở Việt Nam, những tiến bộ mà đất nước này đạt được khi thực sự trở thành quốc gia kiểu mẫu trên thế giới trong việc sáng tạo, tìm ra giải pháp thay đổi.
Chúng tôi tới Việt Nam lần này với hai mục đích chính. Trước hết, có rất nhiều người thuộc Cơ đốc giáo trên thế giới. Việt Nam có một cộng đồng lớn các tín đồ Công giáo, Tin lành và nhiều nhánh Cơ đốc giáo khác.
Chúng tôi mong muốn kết nối với cộng đồng Cơ đốc toàn cầu. Vì vậy, đoàn chúng tôi tập hợp nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo tới từ các quốc gia khác nhau như Ấn Độ, Indonesia, Australia và nhiều quốc gia khác để kết nối với giáo hội ở Việt Nam, để chứng kiến sự truyền dạy về Chúa ở đây, về các nhà thờ và các bộ ngành liên quan.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn nhân cơ hội này đưa các mục sư quốc tế đến và chứng kiến sự phát triển của Việt Nam. Việt Nam thực sự là một đất nước tuyệt vời. Khi tôi đến đây 30 năm trước thì chỉ có xe đạp và vài chiếc xe máy, còn bây giờ đã có ô tô, rất nhiều xe máy và các phương tiện hiện đại khác. Do đó, tôi muốn các mục sư quốc tế đến đây để chứng kiến sự phát triển thực tế này và gặp gỡ cộng đồng Cơ đốc tại Việt Nam.
Cảm nhận của ông về đời sống của các tín đồ Tin lành qua chuyến thăm Việt Nam? Ông đánh giá thế nào về chủ trương, chính sách pháp luật của Việt Nam nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân?
Mỗi lần tới thăm các nhà thờ ở Việt Nam luôn là trải nghiệm tích cực đối với tôi. Nhà thờ ở Việt Nam hoạt động rất sôi nổi, ngày càng phát triển vững mạnh và đạt được nhiều thành tựu tuyệt vời. Chúng tôi đã được nghe kể về đời sống sinh hoạt phong phú của các nhà thờ ở Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới.
Khi đến thăm các nhà thờ ở Việt Nam, tôi rất ấn tượng vì các tín đồ hiểu rõ, tin và sống theo Kinh Thánh cũng như có nền tảng Kinh Thánh vững chắc.
Tôi ấn tượng khi thấy các tín đồ Tin lành được tự do tham gia vào cộng đồng tôn giáo và trở thành những công dân tốt, đóng góp giá trị cho sự thịnh vượng của Việt Nam. Nhà thờ Tin lành và Công giáo tại Việt Nam đều hoạt động mạnh mẽ.
Tôi đã có cơ hội thăm gặp Giáo hoàng Francis nhiều lần. Có lần chúng tôi đã có cuộc trò chuyện dài về Việt Nam vì có rất nhiều tín đồ Công giáo tại đây. Tôi khuyến khích Giáo hoàng: “Ngài cần đến thăm Việt Nam vì Giáo hội ở đó rất vững mạnh, sống động và không ngừng phát triển”.
Có thể nói rằng, Chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt trong lĩnh vực tôn giáo. Kể từ năm 2001, đã có nhiều đạo luật được ban hành nhằm thúc đẩy tự do tôn giáo, bảo vệ các nhà thờ và tổ chức tôn giáo, không chỉ Cơ đốc giáo mà còn các tôn giáo khác như Phật giáo.
Điều tôi thích ở Chính phủ Việt Nam là luôn sẵn sàng đối mặt với những thử thách. Tự do tôn giáo là vấn đề mà tất cả chúng ta đều phải nỗ lực hướng tới. Ngay cả ở Mỹ, chúng tôi cũng phải đối mặt với vấn đề kỳ thị Hồi giáo hay chống lại chủ nghĩa bài trừ Do Thái. Đôi khi cũng có những thách thức trong việc xây dựng nhà thờ… vì vậy, ở đâu cũng có thử thách.
Điều tôi yêu mến ở Chính phủ Việt Nam là họ luôn sẵn sàng giải quyết những thách thức đó. Và nếu bạn hỏi các tín đồ Tin lành và Công giáo tại đây, họ sẽ nói rằng dù có một số vấn đề tồn tại nhưng họ đều cảm thấy tự do và có thể thực hành đức tin của mình một cách thoải mái, công khai.
Đôi khi ở các vùng nông thôn, có thể do một vài bộ phận người dân chưa hiểu rõ luật hoặc có những yếu tố nảy sinh khác khiến cho việc tự do tôn giáo bị cản trở.
Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất là khi những vấn đề đó phát sinh, chúng ta cần phản hồi và xử lý nhanh chóng. Việt Nam đã làm điều đó rất tốt.
Tôi đang làm hết sức mình để chia sẻ với Chính phủ và Bộ Ngoại giao Mỹ về những thay đổi mà Việt Nam đã thực hiện. Nhiều nhà ngoại giao Mỹ làm việc trong lĩnh vực tự do tôn giáo đều công nhận rằng Việt Nam đã có những bước tiến lớn, không giống như nhiều quốc gia khác, để giải quyết những thử thách trong lĩnh vực này.
Theo chương trình làm việc, Mục sư Bob Roberts đã gặp gỡ lãnh đạo VUFO; Bộ Ngoại giao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tôn giáo Chính phủ; thăm điểm nhóm Tin lành Aquila (Quốc Oai, Hà Nội) và Hội thánh Tin lành quốc tế (HIF) tại Tôn Thất Thuyết, Hà Nội, ngày 4/12. (Ảnh: An Lê) |
Được biết Viện Liên kết toàn cầu (IGE) và Hội Việt-Mỹ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác đầu tiên trên lĩnh vực tôn giáo cách đây 20 năm. Ông đánh giá như thế nào về những thay đổi trong đời sống tôn giáo của người dân Việt Nam những năm qua? Kết quả hợp tác giữa hai bên đã tác động như thế nào tới tiến trình chung của quan hệ song phương?
Tôi đã tham gia vào IGE từ những đầu những năm 2000, trực tiếp chứng kiến lễ ký kết MOU và hoạt động với tư cách là Chủ tịch IGE trong khoảng thời gian một năm rưỡi qua.
Có thể nói rằng mối quan hệ giữa IGE và Chính phủ Việt Nam vô cùng tuyệt vời. Chúng tôi không chỉ là đối tác làm việc để giải quyết các vấn đề, chúng tôi đã trở thành bạn bè tốt và thân thiết.
Chúng tôi làm việc rất chăm chỉ về các vấn đề pháp lý và thực tiễn, đồng thời xây dựng được các mối quan hệ con người trân trọng lẫn nhau. Mô hình hợp tác của IGE tại Việt Nam đang được nhân rộng ở Uzbekistan, Kazakhstan, Azerbaijan, Sudan, Pakistan và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Việt Nam, đối với IGE, không chỉ là nơi chúng tôi có thể giúp đỡ những người muốn trải nghiệm tự do tôn giáo, mà còn là nơi có thể cùng nhau học hỏi và lan tỏa đi khắp thế giới. Điều đó thật tuyệt vời!
Ông có thể chia sẻ kế hoạch của mình để thúc đẩy hợp tác giữa IGE, VUFO và các tổ chức khác tại Việt Nam để thúc đẩy đối thoại về tôn giáo và thúc đẩy hòa bình trong tương lai không?
Vâng, có vài dự định trong tương lai sắp tới và chúng tôi thật sự háo hức triển khai. Chúng tôi đã ký kết MOU thứ 3 vào năm ngoái. Một trong những điều chúng tôi muốn làm không chỉ về tự do tôn giáo mà còn về trách nhiệm tôn giáo và hợp tác cùng nhau để hướng tới các dự án cộng đồng.
Chúng tôi đã thăm các trung tâm phục hồi chức năng của các nhà thờ, giúp đỡ những người nghiện. Chúng tôi muốn có các cuộc trao đổi giữa các mục sư, nhà thờ và lãnh đạo chính phủ; cùng nhiều cuộc trao đổi giữa người dân Việt Nam và Mỹ.
Vừa qua, chúng tôi đã đến Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và thảo luận về việc tổ chức trao đổi đoàn và mời một trăm mục sư đến đây để giảng dạy về triết học, tận mắt chứng kiến cuộc sống ở Việt Nam. Sau đó, Việt Nam có thể cử học giả tới Mỹ để giảng dạy về Cơ đốc giáo và truyền đạt về cuộc sống ở đất nước mình.
Vì vậy, một trong những ước mơ của chúng tôi trong tương lai là làm thế nào để tổ chức những cuộc trao đổi giữa con người với con người, giúp quan hệ chúng ta đạt được những chiều sâu mới.
Xin cảm ơn anh!
Trưởng đoàn mục sư Tin lành quốc tế trao đổi với phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam. (Ảnh: Thu Trang) |
Bắt đầu từ năm 2004, IGE đã làm việc với các nhà lãnh đạo quốc gia và người dân Việt Nam. Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động thuận lợi theo quy định của Hiến chương, Điều lệ của tổ chức tôn giáo và pháp luật. IGE hiện đã đào tạo hơn 4.000 học giả, quan chức chính phủ, cố vấn chính sách, lãnh đạo tôn giáo và quân nhân Việt Nam về quản trị tôn giáo, quyền tôn giáo, tiêu chuẩn quốc tế về tự do tôn giáo. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/truong-doan-muc-su-tin-lanh-quoc-te-an-tuong-truoc-su-phat-trien-tu-do-song-dong-cua-cac-ton-giao-viet-nam-296327.html