Đặc biệt, từ nay đến 2025, hướng tới 2030, TP.HCM xác định là giai đoạn đặc biệt quan trọng đối với việc đầu tư trọng tâm cho các công tác quản lý đã được quy định trong Luật.
Chủ động tháo gỡ vướng mắc
Ngày 17/11/2021, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020. Theo đó, TP.HCM xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Đồng thời, xác định trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện; UBND phường, xã, thị trấn trong việc phối hợp, tổ chức triển khai Luật trên địa bàn thành phố.
Để triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020, Sở TN&MT đã tham mưu, trình UBND TP.HCM về báo cáo, đề xuất công bố thủ tục hành chính mới ban hành; thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực môi trường thuộc phạm vi chức năng của Sở TN&MT. Trong năm 2022 – 2023, Sở TN&MT được giao tham mưu ban hành 13 văn bản Quy phạm pháp luật; Sở TN&MT cũng đang hoàn thiện dự thảo Bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực BVMT theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 thuộc thẩm quyền của thành phố, quận huyện, phường xã.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT TP.HCM, thời gian qua, trong quá trình triển khai các thủ tục pháp lý về môi trường theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các Nghị định hướng dẫn vẫn còn một số vướng mắc, bất cập giữa thực tiễn của TP.HCM với quy định của pháp luật. Một trong những nguyên nhân là do “cách hiểu” khác nhau dẫn đến cách thức tổ chức, triển khai khác nhau… Vì vậy, Sở TN&MT đã có một số văn bản đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ TN&MT trao đổi, hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành… nhằm đảm bảo quá trình áp dụng Luật được thông suốt, hiệu quả.
Mới đây, UBND TP.HCM đã có ý kiến chỉ đạo một số nội dung liên quan đến việc triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020. Theo đó, giao Sở TN&MT chủ trì làm việc với Sở Xây dựng để thống nhất nội dung về phân định rõ việc xem xét công năng sử dụng của công trình xây dựng trước khi xem xét cấp giấy phép môi trường; đồng thời rà soát lại các văn bản hướng dẫn của Bộ TN&MT để thống nhất cách xác định đối tượng liên quan đến công tác cấp giấy phép môi trường, từ đó tham mưu, đề xuất UBND thành phố hướng tháo gỡ các vướng mắc chung về lĩnh vực cấp phép môi trường để áp dụng trên toàn địa bàn thành phố.
Đảm bảo vận hành thị trường carbon đúng quy định
Ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: một trong những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 là việc cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường carbon trong nước. Theo đó, Luật đã chế định về tổ chức và phát triển thị trường carbon như là công cụ để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong nước, góp phần thực hiện đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính do Việt Nam cam kết khi tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Thời gian qua, TP.HCM là địa phương đi đầu trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đánh giá lượng phát thải, tìm kiếm giải pháp cũng như xây dựng kế hoạch nhằm hướng tới mục tiêu thành phố không phát thải, góp phần thực hiện Cam kết của Thủ tướng Chính phủ. Các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 là cơ sở pháp lý, hướng dẫn quan trọng giúp TP.HCM đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu Net Zero.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, TP.HCM sẽ thực hiện đúng lộ trình của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Đặc biệt, thành phố sẽ tận dụng hiệu quả Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế tài chính triển khai thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon đầu tư từ nguồn ngân sách của thành phố.
Theo đó, trong năm 2024, Sở TN&MT tiếp tục tham mưu UBND TP.HCM hoàn thiện Đề án thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; lựa chọn chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố để tạo ra tín chỉ carbon; xác định tỷ lệ đóng góp về lượng giảm phát thải/hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn thành phố cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia trước khi giao dịch tín chỉ carbon. Trên cơ sở đó, TP.HCM sẽ đảm bảo xây dựng sàn trao đổi tín chỉ carbon theo dạng ETS đạt được thí điểm vào năm 2025 và chính thức vận hành vào năm 2028 theo lộ trình của Chính phủ.
Bên cạnh đó, thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Sở TN&MT TP.HCM sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất các giải pháp lồng ghép trong các hoạt động, chương trình trong triển khai công tác bảo vệ môi trường của thành phố nhằm hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh theo định hướng của Chính phủ.
Cũng theo Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà TP.HCM sẽ thực hiện trong năm 2024 là việc tổ chức thực hiện phân loại rác tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Giữa tháng 11/2023, ngay sau khi nhận được công văn của Bộ TN&MT hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, Sở TN&MT đã tham mưu, báo cáo UBND TP.HCM các nội dung triển khai thực hiện. Sau khi có ý kiến của UBND thành phố, Sở TN&MT sẽ chủ trì tổ chức triển khai công tác tổ chức phân loại rác sinh hoạt theo quy định trên toàn địa bàn thành phố, phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/12/2024.