Sở Giáo dục TP HCM nói phản đối việc giáo viên cầm lô tô, xào qua xào lại để chọn học sinh kiểm tra bài cũ đầu giờ, cho hay sẽ có hướng dẫn cụ thể việc này.
Tại buổi họp báo thường kỳ của thành phố chiều 21/9, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, giải thích rõ hơn về yêu cầu không kiểm tra bài cũ theo kiểu bất chợt, ngẫu nhiên của Giám đốc Sở Nguyễn Văn Hiếu.
“Giám đốc Sở yêu cầu giáo viên không được kiểm tra bài đầu giờ đột xuất và bất chợt chứ không phải không kiểm tra đầu giờ”, ông Minh nói. Sở sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc kiểm tra, đánh giá học sinh, trong đó có kiểm tra bài cũ đầu giờ.
Ông cho biết hoạt động kiểm tra đánh giá học sinh phải tuân theo những chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm đánh giá thường xuyên và định kỳ.
Trong đó, đánh giá thường xuyên là đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh trong quá trình dạy học, theo yêu cầu cần đạt của chương trình. Kiểm tra bài cũ cũng là một hoạt động đánh giá thường xuyên nhưng có thể thông qua nhiều hình thức như hỏi – đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.
Theo ông Minh, trước đây, kiểm tra đánh giá thường được coi là công cụ để chấm điểm, xếp loại. Tuy nhiên, theo quan điểm chương trình mới, đây là một quá trình để xác định mức độ đạt được của học sinh về kiến thức, kỹ năng, từ đó giúp các em phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu. Việc này cũng giúp giáo viên điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp.
“Trong một số clip trên mạng xã hội, giáo viên cầm lô tô xào qua xào lại để chọn học sinh kiểm tra bài cũ. Chúng tôi phản đối cách kiểm tra này vì tạo cho học sinh cảm giác lo sợ, áp lực không biết hôm nay mình có trả bài không”, ông Minh nói.
Yêu cầu không được kiểm tra bài cũ theo cách “gọi bất chợt, hỏi bất chợt” được ông Nguyễn Văn Hiếu đưa ra tại hội nghị triển khai năm học mới ở quận 3, hôm 13/9, nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Nhiều học sinh ủng hộ bỏ cách kiểm tra bài cũ ngẫu nhiên, trong khi phụ huynh lo lắng việc thay đổi có thể khiến học trò lười biếng. Các giáo viên cho biết đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá hướng đến phát huy năng lực học sinh là một yêu cầu then chốt trong chương trình mới. Tuy nhiên, quá trình này cần thực hiện từng bước.
Lệ Nguyễn