Nhiều học sinh nơm nớp vì không biết có bị gọi lên bảng trả bài đầu giờ hay không, mong thầy cô thay đổi để việc kiểm tra nhẹ nhàng hơn.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, hoạt động kiểm tra miệng, trả bài ngẫu nhiên vào đầu giờ học khiến học sinh căng thẳng, lo lắng. Giáo viên được chủ động kiểm tra, đánh giá nhưng Sở lưu ý cần tránh hình thức này.
Thông tin được bàn tán rôm rả trên các diễn đàn học sinh ở TP HCM ba hôm nay với nhiều ý kiến trái chiều, nhưng phần lớn ủng hộ chủ trương của Sở.
Thanh Hưng, học sinh trường THPT Võ Trường Toản, quận 1, nói khoảng 15 phút đầu giờ luôn là thời gian “đáng sợ”. Nam sinh và bạn bè đã quen với hành động đầu tiên của giáo viên khi vào tiết là nhìn danh sách lớp gọi khảo bài ngẫu nhiên như xổ số.
“Có khi cô chọn học sinh có số thứ tự trùng với ngày tháng, khi lại dùng trò chơi, phần mềm random trên mạng, thậm chí được chọn trả bài vì có tên lạ…”, Hưng kể. Có lần cô giáo khảo bài môn Văn kéo dài suốt 2 tiết, cả lớp “căng như dây đàn”. Sau cô phải hoãn dạy bài mới vì hơn nửa lớp không thuộc bài cũ.
Bản thân Hưng dù học khá nhưng khi bị gọi lên bảng vẫn quên trước quên sau do căng thẳng. Theo lời Hưng, cả lớp chỉ thở phào nhẹ nhõm khi giáo viên thông báo vào bài mới.
Dù không quá sợ nhưng Gia Bảo, học sinh lớp 8 ở quận Gò Vấp, cũng cho hay không khí lớp mình trong khoảng 10-15 phút đầu giờ rất trầm, ai cũng run vì không biết có bị gọi tên hay không.
Hôm 13/9, tại hội nghị triển khai năm học mới ở quận 3, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cũng từng đề cập chuyện này. “Sáng sớm, học sinh ngồi trên xe ba mẹ chở đi học, vừa ăn vừa cầm cuốn vở học vì sợ thầy cô kêu trả bài”, ông kể.
Có nhiều năm tư vấn tâm lý cho học sinh, TS Giang Thiên Vũ, giảng viên khoa Tâm lý, trường Đại học Sư phạm TP HCM, cho biết nhiều em chia sẻ cảm giác căng thẳng, bức xúc với cách giao tiếp của giáo viên khi gọi học sinh kiểm tra ngẫu nhiên vào đầu giờ.
Ông nhìn nhận việc này khiến học sinh căng thẳng, lo âu. Ngoài ra, học sinh có thể chủ quan với suy nghĩ đã bị gọi trả bài rồi thì sẽ không bị gọi nữa nên không cần học.
Chị Hồng Thúy, phụ huynh học sinh lớp 6 ở quận Gò Vấp, cho rằng phương pháp nào cũng có hai mặt lợi hại. Nhiều bạn nhút nhát sẽ sợ, căng thẳng khi bị gọi tên nhưng vì thế mà chủ động học bài ở nhà. Nếu hoạt động kiểm tra đầu giờ quá dễ dãi, học sinh sẽ lơ là bài vở, giáo viên cũng không biết học trò tiếp thu tới đâu. Tuy vậy, chị cũng đồng tình nên thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá.
“Con trai tôi có lần bật khóc vì phải học thuộc quá nhiều để hôm sau cô kiểm tra miệng”, chị Thúy nói.
Lý giải về yêu cầu giáo viên không gọi học sinh trả bài kiểu bất chợt, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, nói đây là một trong những nội dung đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không phải quy định riêng của TP HCM.
Bộ quy định đánh giá học sinh thường xuyên và định kỳ. Việc đánh giá thường xuyên được thực hiện xuyên suốt quá trình dạy học, bằng nhiều hình thức như: hỏi – đáp, viết, thực hành, thí nghiệm, thuyết trình, sản phẩm, bài tập nhóm. Qua đó, giáo viên, học sinh kịp thời điều chỉnh việc dạy và học.
“Kiểm tra miệng là một trong các hình thức của đánh giá thường xuyên. Nhưng gọi trả bài ngẫu nhiên đầu giờ theo kiểu học thuộc lòng không giúp học sinh tiến bộ, đi ngược lại tinh thần đổi mới giáo dục”, ông Quốc nói.
Dù đã yêu cầu, hướng dẫn đổi mới phương pháp từ nhiều năm nay, ông Quốc thừa nhận vẫn còn giáo viên giữ thói quen, cách kiểm tra cũ nên Sở phải nhắc nhở, chấn chỉnh.
Theo cô Hồ Thị Bích Ty, Tổ trưởng môn Tiếng Anh, trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh, việc gọi trả bài ngẫu nhiên vào đầu giờ đã trở thành thói quen của nhiều thế hệ giáo viên. Chương trình phổ thông 2018 chú trọng vào phát triển năng lực học sinh, không đặt nặng điểm số nên giáo viên cũng phải thay đổi cách thức kiểm tra. Dù vậy, việc thay đổi phải diễn ra từng bước, không thể ngày một ngày hai.
Phương châm của cô Ty là không tạo áp lực cho học sinh nhưng vẫn phải tìm cách duy trì thói quen học tập cho các em vì “không khảo bài, học sinh sẽ không học”.
“Cuối buổi học, mình vẫn dặn học trò học bài để hôm sau dò. Nhưng tiết sau mình không yêu cầu trả bài ngay đầu giờ mà chờ đến lúc luyện tập sẽ hỏi một vài câu liên quan đến nội dung cũ”, cô Ty chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên môn Lịch sử, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cũng cho biết 17 năm đi dạy chưa từng gọi học sinh đứng trước lớp trả bài. Thay vào đó, cô kiểm tra kiến thức cũ thông qua những câu hỏi đố vui.
Cô ví dụ, khi học về giai đoạn lịch sử nhà Trần, học sinh trả lời những câu hỏi liên quan đến nhân vật nổi tiếng bằng cách đọc thơ. Chẳng hạn, câu thơ “Dốc lòng cứu lấy giang san/Cờ ai thêu sáu chữ vàng tung bay” nói về nhân vật Trần Quốc Toản. Sau khi cả lớp đưa ra đáp án, cô Thảo cho học sinh xung phong nói về nhân vật này để lấy thêm điểm cộng.
“Các câu hỏi ở mức độ nhẹ nhàng, không kiểm tra thuộc lòng, ghi nhớ con số, sự kiện. Cách này khiến không khí lớp thoải mái, hứng khởi bắt đầu vào bài mới”, cô Thảo cho hay.
Với bậc tiểu học, cô Huỳnh Thị Tuyết Hoa, Hiệu trưởng trường tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12, cho biết hoạt động trả bài theo hình thức gọi tên ngẫu nhiên đã bị loại bỏ từ lâu. Thay vào đó, bắt đầu mỗi tiết học, giáo viên đều có hoạt động khởi động và kết nối. Học sinh được xem đoạn phim ngắn, chơi đố vui hoặc hát tập thể để vừa gợi nhớ lại kiến thức cũ và dẫn dắt vào bài học mới. Mặt khác, việc kiểm tra, đánh giá học sinh được thực hiện trong suốt quá trình dạy học thông qua những biểu hiện, mức độ tham gia, thái độ học tập và nhiều yếu tố khác.
“So với trước kia, học sinh tiểu học đã hứng khởi khi đến trường, tinh thần tích cực hơn”, cô Hoa nhận xét.
Theo TS Vũ, việc kiểm tra bài, kiến thức cũ vẫn cần thiết. Tiêu cực hay tích cực phụ thuộc vào phương pháp, kỹ năng sư phạm, giao tiếp của giáo viên khi đưa ra yêu cầu, gợi ý, dẫn dắt học sinh. Những cách làm trên giúp học sinh có tâm lý tích cực khi phải huy động, nhớ lại kiến thức cũ.
Đây cũng là mong muốn của các học sinh và phụ huynh. Thanh Hưng nói hơi tiếc vì năm nay đã học lớp 12. Em cho rằng nếu có những thay đổi này sớm thì em sẽ tránh được cảm giác lo lắng khi đi học nhiều năm qua. Còn Gia Bảo, học sinh lớp 8 ở Gò Vấp, mong thầy cô có cách kiểm tra bài cũ linh hoạt, vui nhộn hơn.
“Em mong thầy cô cho chơi trò chơi hoặc chọn bạn xung phong”, Bảo nói.
Lệ Nguyễn