Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 35 tại TPHCM mới đây, một trong những yêu cầu của lãnh đạo TPHCM là các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đạt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI và kế hoạch kinh tế – xã hội hàng năm của ngành, địa phương, đơn vị mình. Từ kết quả này sẽ nâng cao đời sống người dân, góp phần an dân. Đó là nền tảng vững chắc, là căn cứ để đấu tranh, phản bác lại các quan điểm sai trái.
Nâng chất lượng sống của người dân
Một trong những cách làm hiệu quả của quận 7 là tập trung nâng cấp, mở rộng hẻm, qua đó cải thiện cuộc sống người dân. Bà Nguyễn Thị Tiên (ngụ hẻm 41 Chuyên Dùng 9, phường Phú Mỹ) cho biết, trước đây mọi sinh hoạt của gia đình bà trông chờ vào tiền lương của con trai làm ở xưởng gỗ. Nay nhờ hẻm được mở rộng, bà mở sạp bán rau tại nhà, kiếm thêm thu nhập. Nhiều gia đình khác cũng có thu nhập từ việc tự mở tiệm kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng.
Đến nay, qua nửa sau nhiệm kỳ 2020-2025, quận 7 đã thực hiện đạt hơn 86% chỉ tiêu nghị quyết của Đảng bộ quận về nâng cấp, mở rộng hẻm, kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Trong đó, quận đã mở rộng 129 tuyến hẻm, xây mới 5 cây cầu; nâng cấp 86 tuyến hẻm.
Cũng với phương châm “chăm lo dân để an dân”, quận 5 đã nỗ lực triển khai và về đích sớm trong Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; các quận 6, 11, Tân Bình, Tân Phú và TP Thủ Đức… tập trung nguồn lực để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên. Đặc biệt, gần 2.300 trẻ em tại TPHCM bị mồ côi vì dịch Covid-19 đã được các địa phương, tổ chức quan tâm chăm lo. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM đã triển khai trong các cấp hội thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”, đến tháng 4-2023, toàn bộ trẻ mồ côi vì dịch Covid-19 đều đã có mẹ đỡ đầu, chăm lo.
Nhiều mô hình đã ra đời và tiếp tục được duy trì để hỗ trợ người khó khăn, như mô hình gian hàng 0 đồng, Quỹ An sinh xã hội TPHCM. TPHCM cũng ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ người dân, như Nghị quyết 02 của HĐND TPHCM về chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn…
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, làm cho tư tưởng tiến bộ, tích cực, thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, có tác dụng uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, cải tạo những tư tưởng lạc hậu, đẩy lùi những sai trái”. Đây chính là phương châm xuyên suốt trong vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc hiện nay.
Tạo sức đề kháng trước thông tin xấu, độc
Bám sát vào các giải pháp bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng mà Nghị quyết 35 đề cập (là đổi mới nội dung, phương thức nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh), Thành đoàn TPHCM đã thực hiện khảo sát về nhu cầu sử dụng mạng xã hội và tác động của mạng xã hội đối với thanh niên.
Theo Bí thư Thành đoàn TPHCM Phan Thị Thanh Phương, trên cơ sở kết quả khảo sát, Thành đoàn TPHCM đã đẩy mạnh việc tập hợp thanh niên trên không gian mạng; xây dựng ý thức tự giác, tự đề kháng của người trẻ trước thông tin xấu, độc. Theo đó, Thành đoàn TPHCM tổ chức Hội thi Olympic các môn khoa học Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh “Tầm nhìn xuyên thế kỷ”; Hội thi tìm hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng thời đại”; Hội thi Tự hào Sử Việt theo hướng tương tác trên không gian mạng. Thành đoàn TPHCM còn chú trọng việc khảo sát, nghiên cứu đặc điểm đối tượng tuyên truyền, giáo dục là đoàn viên, thanh thiếu nhi, qua đó có giải pháp tuyên truyền phù hợp hơn với đặc điểm tâm lý của từng nhóm đối tượng thanh thiếu nhi.
Trong khi đó, Sở TT-TT TPHCM tích cực lan tỏa các thông điệp trên các nền tảng, phương tiện do sở phụ trách, quản lý. Đồng thời, quan tâm đến nhu cầu cấp bách của người dân được tiếp cận thông tin chính xác, đúng sự thật về thành phố, giúp người dân nắm rõ vấn đề, góp phần ngăn chặn thông tin xấu, độc lan truyền sâu rộng. Trung tâm Báo chí TPHCM thuộc sở thường xuyên phối hợp UBND TPHCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, các sở, ngành, quận, huyện cung cấp thông tin kịp thời đến các cơ quan báo chí, từ đó đẩy mạnh việc đưa các thông tin chính thống để người dân tiếp cận.
Phó Giám đốc Sở TT-TT Nguyễn Ngọc Hồi cho biết, hiện sở đang quản lý 1.055 trang thông tin điện tử tổng hợp và 366 trang mạng xã hội. Ngoài nhiệm vụ hướng dẫn các chủ thể thực hiện đúng quy định pháp luật sử dụng thông tin trên các trang mạng xã hội, trang điện tử của các đơn vị, sở còn tiếp nhận phản ánh về tin giả, tin sai sự thật do người dân cung cấp thông qua nhiều kênh (trong đó có kênh tingia.gov.vn do Trung tâm Xử lý tin giả vận hành) để kịp thời ngăn chặn, xử lý, góp phần làm sạch môi trường mạng.
THU HƯỜNG