Đồ uống có cồn hoặc thực phẩm chứa đường làm tăng tốc độ lão hóa da, khiến các bệnh sẵn có như chàm, viêm da tiết bã, trứng cá nặng hơn.
ThS.BS.CKI Phạm Trường An, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chế độ ăn uống lành mạnh giúp duy trì làn da khỏe đẹp, nhưng cũng có một số món ăn uống gây hại da, đứng đầu là rượu bia và đồ ngọt. Dịp Tết là thời điểm đoàn tụ gia đình, gặp gỡ bạn bè, xu hướng sử dụng hai loại thực phẩm này cũng tăng.
Bác sĩ An giải thích đường trong nước ngọt có ga, bánh kẹo, các loại mứt… phân hủy thành glucose làm tăng lượng đường trong máu. Nồng độ đường huyết tăng cao làm tăng phản ứng viêm, cản trở hệ miễn dịch tiêu diệt vi khuẩn. Lúc này, tuyến tụy tăng tiết hormone insulin để ổn định lại lượng đường huyết. Đồng thời, insulin làm tăng tiết bã nhờn trên da, gây bít tắc nang lông, dễ hình thành mụn trứng cá, nhọt.
Lượng đường trong máu cao còn phá vỡ các liên kết elastin và collagen trong da, vốn là các protein quan trọng để tái tạo và duy trì độ đàn hồi, khiến da lão hóa nhanh hơn như chảy xệ, xuất hiện nếp nhăn, quầng thâm dưới mắt. Cơ thể cũng cần dùng lượng nước lớn để trung hòa, đào thải lượng đường thừa qua nước tiểu, dẫn đến da mất nước, khô sạm.
Phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt (nội tiết tố tăng cao) ăn uống nhiều đồ ngọt làm nguy cơ bùng phát mụn trứng cá nhiều hơn.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến nghị mỗi ngày nữ giới trưởng thành không nên sử dụng quá 24 g đường, nam giới không quá 36 g đường, trẻ em từ 2 tuổi tránh ăn quá 24 g đường. Riêng người bệnh đái tháo đường nên kiểm soát đường huyết theo hướng dẫn riêng của bác sĩ chuyên khoa.
Bác sĩ An cho biết có thể thấy rõ tác hại của đồ uống có cồn trên da ngay lập tức hoặc chỉ một đêm sau khi sử dụng. Nhiều người dễ đỏ mặt, cổ, ngực, ngứa khi vừa uống rượu bia do mang biến thể gene gây thiếu hụt enzym ALDH2. Enzym này chịu trách nhiệm chuyển hóa cồn trong cơ thể. Cồn không được chuyển hóa, khiến độc tố tích tụ dẫn đến đỏ da, ngứa.
Đồ uống có cồn có tác dụng lợi tiểu khiến quá trình sản xuất và đào thải nước tiểu nhanh hơn bình thường. Đi tiểu nhiều hơn khiến cơ thể mất nước, da khô và kém đàn hồi; môi nứt nẻ, các nếp nhăn lộ rõ hơn. Bên cạnh đó, rượu bia còn có thể gây mất ngủ, ngủ không sâu ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sức khỏe.
Uống rượu, bia thường xuyên cũng đẩy nhanh quá trình lão hóa da vì làm gián đoạn quá trình sản xuất collagen. Da không đủ collagen cộng với thiếu nước ảnh hưởng đến cấu trúc dẫn tới nếp nhăn, vết chân chim, thâm sạm, nám xuất hiện sớm hơn, da chùng nhão, chảy xệ.
Người từng mắc bệnh da liễu như vảy nến, viêm da cơ địa, mụn trứng cá… có thể tái phát bệnh hoặc tình trạng nghiêm trọng hơn do tác động của đồ uống có cồn.
Bác sĩ An khuyến cáo người say rượu bia nên uống nhiều nước để bù đắp lượng nước đã mất, ngủ đủ giấc, dưỡng ẩm giúp sửa chữa tổn thương trên da.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo một người chỉ nên sử dụng một đơn vị cồn mỗi ngày, tương đương 3/4 chai bia 330 ml hoặc một ly rượu vang 100 ml (nồng độ cồn 13,5%), một cốc rượu mạnh 30 ml (nồng độ cồn 40%). Tuy nhiên, WHO cũng lưu ý rằng không có một ngưỡng uống rượu bia nào an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Chỉ uống một lượng bia rượu rất nhỏ cũng có thể gây hại.
Anh Thư