Железная дорога Лаокай-Ханой

Việt NamViệt Nam08/02/2025


duong-sat.jpg
Tàu liên vận quốc tế tại ga Lào Cai

Bộ Giao thông vận tải vừa trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối với Trung Quốc.

Tuyến đường sắt dài 403,1 km, gồm tuyến chính 388 km và hai tuyến nhánh 15 km. Dự án có tổng mức đầu tư 194.929 tỷ đồng (khoảng 8,027 tỷ USD), xây dựng từ năm 2026 đến 2030.

Đáp ứng vận tải trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối cửa khẩu quốc tế Hà Khẩu - Lào Cai với cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, đi qua 9 địa phương, chiếm khoảng 20% dân số, 25,4% GRDP và 25% khu công nghiệp trên cả nước.

Dự báo đến năm 2050, tổng nhu cầu vận tải trên hành lang này là 397 triệu tấn hàng hóa và 334 triệu hành khách. Để tái cơ cấu thị phần vận tải, giảm chi phí logistics, đường sắt cần đảm nhận khoảng 25,6 triệu tấn hàng hóa, 18,6 triệu hành khách.

Tuy nhiên, tuyến đường sắt hiện hữu xây dựng từ thời Pháp, khổ 1.000 mm, tốc độ khai thác trung bình 50 km/h, chỉ đáp ứng khoảng 4,1 triệu tấn hàng hóa, 3,8 triệu hành khách, phục vụ cho khách du lịch chặng ngắn. Dự báo dù đã khai thác hết công suất đường bộ, đường thủy, đường sắt hiện hữu thì đến năm 2040 tuyến này vẫn không đáp ứng được nhu cầu vận tải, nhất là hàng hóa.

Do vậy, tuyến đường sắt mới khổ 1.435 mm sẽ an toàn hơn, chiếm dụng đất ít hơn đường bộ và thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang. Sau khi xây dựng tuyến mới, hàng xuất nhập khẩu có thể vận chuyển bằng tàu liên vận đi suốt đến châu Âu, giảm giá thành vận tải, chi phí logistics. Việc đầu tư tuyến mới cũng tạo ra thị trường xây dựng, từ đó tác động tăng trưởng kinh tế.

Tạo thị trường xây dựng giá trị khoảng 4,4 tỷ USD

Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được xây dựng sẽ tạo ra thị trường có giá trị khoảng 4,4 tỷ USD, ước tính tạo ra 90.000 việc làm trong thời gian xây dựng và khoảng 2.500 việc làm lâu dài trong quá trình vận hành, khai thác.

Nếu tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, các dự án sẽ tạo ra thị trường xây dựng khoảng 98,2 tỷ USD và hàng triệu việc làm.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt, ngoài dự án này, ngành giao thông cần xây dựng mới khoảng 1.953 km đường sắt tiêu chuẩn, tạo lập thị trường ổn định, dài hạn để tiếp tục triển khai các dự án trong giai đoạn tiếp theo. Cùng với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, dự án này là tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ.

Phát triển công nghiệp đường sắt

Theo Bộ Giao thông vận tải, đoàn tàu sẽ được sử dụng công nghệ bảo đảm tính đồng bộ, tiên tiến, thuận lợi cho việc tiếp nhận, chuyển giao, phù hợp với điều kiện khai thác, đồng bộ với các tuyến kết nối quốc tế. Bộ đề xuất lựa chọn công nghệ động lực tập trung cho tàu khách và tàu hàng. Hệ thống thông tin, tín hiệu tương đương với hệ thống đang sử dụng ở các nước trong khu vực.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy định hướng phát triển công nghiệp phải dựa trên quy mô thị trường và trình độ phát triển các ngành công nghiệp luyện kim, cơ khí chế tạo và công nghiệp phụ trợ.

Bộ Giao thông vận tải đề xuất định hướng phát triển công nghiệp đường sắt đến năm 2045 là làm chủ về công nghiệp xây dựng, lắp ráp trong nước và từng bước nội địa hóa phương tiện đối với đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; sản xuất trong nước và từng bước nội địa hóa linh kiện phần cứng, phần mềm về thông tin, tín hiệu và hệ thống cấp điện; làm chủ công tác vận hành, bảo trì và từng bước sản xuất một số linh kiện, phụ tùng thay thế đối với đường sắt tốc độ cao.

Đối với dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phương tiện và thiết bị là loại hình phù hợp để Việt Nam nhận chuyển giao công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị và sản xuất đầu máy, toa xe cho đường sắt quốc gia với tốc độ nhỏ hơn 200 km/h.

Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đồ họa: Hoàng Khánh
Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã lựa chọn các đối tác nước ngoài và trong nước phù hợp, ký biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Đầu máy và toa xe lửa Đại Liên. Nếu được thống nhất chủ trương hợp tác với Trung Quốc, VNR được cấp vốn để đầu tư nhà máy và nhận chuyển giao công nghệ, có thể sản xuất đầu máy, toa xe cho đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị; nghiên cứu để từng bước sản xuất phụ tùng thay thế cho đường sắt tốc độ cao.

Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia, Việt Nam định hướng phát triển theo 13 hành lang kinh tế, trong đó Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa lớn thứ hai cả nước (sau hành lang kinh tế Bắc - Nam phía Đông). Trục Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nằm trong sáng kiến kinh tế chiến lược "Hai hành lang một vành đai" giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trong các hành lang kinh tế có nhu cầu vận tải lớn, vận tải đường sắt đóng vai trò quan trọng do có ưu thế chở khối lượng lớn, chi phí thấp. Tuyến đường sắt mới sẽ đảm nhiệm vận tải, trục kết nối các trung tâm đô thị, khu công nghiệp lớn của vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, là tuyến đường sắt ngắn nhất để vận tải hàng hóa từ Tây Nam Trung Quốc đến cảng biển quốc tế.

TB (theo VnExpress)


Nguồn: https://baohaiduong.vn/duong-sat-lao-cai-ha-noi-hai-phong-tao-thi-truong-xay-dung-tri-gia-4-4-ty-usd-404783.html

Comment (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available