Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và mô hình giảm nghèo, tỉnh Quảng Bình đã giảm tỷ lệ hộ nghèo đáng kể, nhiều người dân được hưởng lợi và vươn lên thoát nghèo…
Năm 2024, Quảng Bình phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,8%, tương ứng với giảm 2.063 hộ, số hộ nghèo còn lại là 8.410 hộ, 80% xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%…, Giám đốc sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình Phạm Tiến Nam cho biết.
Trao “cần câu không trao “con cá”
Có được kết quả này, tỉnh đã triển khai nhiều mô hình trong thực hiện chính sách giảm nghèo. Tại Quảng Bình, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung và lao động nghèo, cận nghèo nói riêng trên địa bàn tỉnh được triển khai tương đối đồng bộ, có chiều hướng chuyển biến tích cực.
Người lao động sau khi học nghề đã tham gia thị trường lao động hoặc tự tạo việc làm mới, tăng năng suất lao động, thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động; lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia xuất khẩu lao động có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững.
Các ngành, địa phương cũng đã thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; thực hiện các dự án, mô hình như chăn nuôi gà, lợn, bò sinh sản và trồng trọt… cho các hộ thụ hưởng để phát triển sản xuất, sinh kế, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống;
Giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động cũng là một trong những mô hình được một số địa phương tại Quảng Bình xây dựng và áp dụng hiệu quả nhằm giúp đỡ hộ nghèo về sinh kế để vươn lên thoát nghèo.
Tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), địa phương đã phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, các đoàn thể của huyện, các đơn vị xuất khẩu lao động, các ngân hàng trên địa bàn làm tốt công tác tư vấn, vay vốn, định hướng… cho các đối tượng tham gia xuất khẩu lao động chọn việc làm, thị trường phù hợp với khả năng và hoàn cảnh gia đình.
Xuất khẩu lao động đã mở ra hướng đi mới cho việc thoát nghèo, theo đó nhiều hộ gia đình có người xuất khẩu lao động đã vươn lên thành hộ khá tại huyện Bố Trạch.
Bên cạnh triển khai các mô hình giảm nghèo, Quảng Bình cũng chú trọng các giải pháp về cho vay vốn tạo việc làm cho người nghèo.
Theo đó, tỉnh cũng đã tập trung huy động lồng ghép các nguồn lực, trong đó nguồn vốn tín dụng ưu đãi do Ngân hàng chính sách xã hội quản lý, đây có thể coi là trụ cột đối với giảm nghèo bền vững, tạo việc làm.
Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các mô hình đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo tại các địa phương đạt nhiều kết quả tích cực.
Từ đó giúp cho nhiều người nghèo được tiếp cận các “điều kiện cần”, “cho chiếc cần câu để câu con cá” phát triển kinh tế gia đình, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đến nay các địa phương đã triển khai thực hiện và hỗ trợ cho gần 100 mô hình gồm 4 mô hình trồng trọt, 82 mô hình chăn nuôi, 5 mô hình phi nông nghiệp cho 815 hộ nghèo, 996 hộ cận nghèo, 449 hộ mới thoát nghèo, hộ khuyết tật… tham gia mô hình.
Nhờ triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả, tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều, gồm cả hộ nghèo và hộ cận nghèo trên phạm vi toàn tỉnh Quảng Bình là 8,06%, với 20.852 hộ.
100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế
Giám đốc sở LĐ,TB&XH Quảng Bình Phạm Tiến Nam chia sẻ: “Năm 2024, Quảng Bình phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,8%, 80% xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%.
100% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, liên kết vùng, phục vụ dân sinh… 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức.
100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ việc làm.
100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 16 tuổi tại còn 12%.
95% các hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.
Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là hệ thống chính trị ở cơ sở đối với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững”.
Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng tích cực đổi mới phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo.
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch đào tạo nghề, tạo việc làm, giảm nghèo phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
“Tranh thủ các nguồn hỗ trợ khác đầu tư cho công tác giảm nghèo, tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương, các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng để tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh.
Các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để giúp họ thoát nghèo bền vững.
Chú trọng hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, đa dạng nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay, các chương trình, dự án để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững”, ông Nam chia sẻ thêm.
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/quang-binh-giam-ngheo-thanh-cong-khong-chi-trao-can-cau-hay-con-ca-20241122171833024.htm