"Ai muốn diễn nét của NSND Công Lý cũng được"
Ở "Táo quân 2025", anh vào vai tiều phu Xuân Son gây ấn tượng với khán giả. Vai diễn này có làm khó anh?
- Vai diễn này không khó nhưng đòi hỏi sự duyên dáng, hóm hỉnh. Trong kịch bản gốc, Xuân Son là vai được sinh ra sau, format (hình thức) đầu tiên không có vai này.
Tôi nghĩ rằng năm nay không có Táo quân nên đã nhận show Tết. Các nghệ sĩ khác được giao vai, còn tôi không có vai tập để phù hợp với lịch trình nhận show từ trước.
Nhưng ngày nào không đi diễn, tôi vẫn qua Đài truyền hình xem mọi người tập. Tất cả các nghệ sĩ và đồng nghiệp trẻ đều muốn giữ vai cho tôi.
Hôm đó, tôi đến báo cáo đã chạy xong show bên ngoài, mọi người nói còn một vai "thằng bán táo" chỉ khoảng 5 phút nên giao cho tôi. Anh Đỗ Thanh Hải ngồi dưới xem, kéo dài vai diễn của tôi ra một chút.
Khi luyện tập, mọi người nói năm nay Xuân Son gây chú ý nên lấy tên này đi. Các nghệ sĩ cũng bồi thêm lời thoại cho nhân vật của tôi.
Diễn viên Trung Ruồi (trái) trên sân khấu của "Táo quân 2025" (Ảnh: VTV)
"Táo quân" năm nay được khán giả khen "đỉnh nóc, kịch trần", "hay bằng 10 năm cộng lại"... Sau khi chương trình phát sóng, anh có đọc các bình luận trên mạng xã hội không?
- Gần đây, tôi hạn chế đọc các bình luận vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý. Tuy nhiên, khi chương trình chưa kết thúc, tôi thấy nhiều bình luận tích cực về chương trình. Dù mình chỉ tham gia một vai diễn nhỏ, khi được khen, tôi cũng thấy rất vui.
Tôi vào nghề gần 10 năm, từng được khen đến "đỉnh nóc" và cũng nhận được những lời chê "chạm đáy" nên bản thân không bị phân tâm bởi những khen, chê. Là một nghệ sĩ, tôi cho rằng, khán giả còn khen, chê là còn quan tâm đến chương trình.
Có "góc khuất" nào của dàn nghệ sĩ tham gia "Táo quân" mà khán giả chưa biết không anh?
- Khi tập chương trình Táo quân, tôi thấy có nhiều "góc khuất" thú vị về các nghệ sĩ gạo cội.
Mọi người thường xuyên gọi anh Tự Long, Quang Thắng là đầu bếp của chương trình vì các anh ấy nấu ăn rất ngon. Nhiều lần, các anh mang cả bếp và nguyên liệu đến chế biến những món, như: Cá khô dứa, lợn quay, bánh mì pate… cho mọi người.
Anh Chí Trung là người rất đúng giờ đi về. Anh ấy hay nói với mọi người, anh già rồi, thức khuya rất mệt. Vì thế, hôm nào cũng đúng 1h sáng là anh... gấp kịch bản, chuẩn bị ra về.
Chị Vân Dung là người tập rất nghiêm túc, dù là luyện tập nhưng lần nào chị ấy cũng diễn như thật. Còn chú Quốc Khánh thường được gọi là đại ca của nhóm diễn viên trẻ. Chú là người đến sớm nhất và về muộn nhất. Lần nào tôi đến, đã thấy chú ở đó và khi tôi về, chú vẫn ngồi ở phòng tập.
Nhiều người nhận xét chú khó tính nhưng ngoài đời, chú Quốc Khánh là người dễ tính, hiền, hay nói chuyện với chúng tôi.
Với những chương trình Táo quân đã tham gia, Anh Xuân Bắc gần như là trợ lý của đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Khi chúng tôi tập, anh chăm chú lắng nghe, thêm thắt vào lời thoại để chúng tôi diễn hay hơn. Bản diễn trên sân khấu của các nghệ sĩ, ít nhất phải có 1-2 câu của anh Bắc. Anh ấy thường xuyên "tỉa" thêm thoại để chúng tôi diễn duyên dáng hơn.
Tôi cho rằng, đó mới là tố chất của Nam Tào, vì anh Bắc cùng làm, cùng sửa và thuộc kịch bản nên anh ấy sẽ làm trụ để các Táo xoay xung quanh nhân vật anh đảm nhiệm.
Ấn tượng của tôi về NSND Công Lý là một người rất tài. Có hôm chưa kịp đọc kịch bản, anh ấy vẫn diễn rất "ngọt" và đúng ý đồ đạo diễn. Anh Lý từng nói "kịch hợp lý, lời tự ra", chúng tôi gọi anh là "vua diễn xuất".
Có nhiều đoạn không cần nói, anh ấy chỉ cần quay ra nhìn bạn diễn, người kia đã biết phải nói câu gì tiếp theo.
Trung Ruồi tâm sự, chương trình "Táo quân" cho anh nhiều thứ, từ thương hiệu cá nhân đến cát-xê, thu nhập.
Anh cảm nhận diễn xuất với nghệ sĩ nào dễ dàng hơn?
- Anh Quang Thắng là người chiều chúng tôi nhất. Anh thoải mái cho chúng tôi thêm lời thoại. Trên sân khấu Táo quân 2025, tôi mới nghĩ ra câu "cháu xin một đồng để về ăn đám giỗ bên cồn" và muốn thêm vào lời thoại, anh đồng ý ngay.
Tuy nhiên, với các nghệ sĩ gạo cội khác, chúng tôi vẫn có sự kết hợp đồng điệu. Như diễn với anh Tự Long, Quốc Khánh… chúng tôi không may "tụt" xuống, các anh ấy diễn chuyên nghiệp khiến chúng tôi cũng được nâng lên nhiều.
Tôi thường nói với mọi người rằng, Táo quân đúng như đội bóng đá của đội tuyển quốc gia. Các nghệ sĩ tham gia đều là những người xuất sắc nhất trong các câu lạc bộ nên mới được mời lên thi đấu. Chẳng may, đồng đội có chuyền trượt, các anh cũng tự rê bóng, sút vào lưới thành công.
Nhiều khán giả nhận xét, những năm đầu, cách diễn của Trung Ruồi giống với NSND Công Lý. Anh nghĩ sao về điều này?
- Tôi rất hâm mộ anh Công Lý, khi thi vào trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, tôi cũng nhại lại cách diễn của anh ấy. Nhưng lâu năm, cách diễn đó mờ đi.
Ở trong dàn Táo, ai muốn diễn theo nét của NSND Công Lý cũng được. Vì anh ấy có lối diễn đặc trưng, như: Biểu cảm gay gắt, sử dụng động từ mạnh, "đưa nhựa" vào câu nói… nên ai cũng có thể bắt chước.
Nghệ sĩ Xuân Hinh, Quang Thắng… cũng có cách diễn đặc trưng. Trong kỹ thuật biểu diễn, các anh trở thành biểu tượng ở kỹ thuật đó. Trong lòng khán giả, các anh trở thành biểu tượng của vai diễn đó. Người diễn viên phải diễn giỏi mới trở thành biểu tượng như vậy.
"Tôi từng không đủ tiền uống trà đá, phải đi vay lãi để sống"
Nhiều năm tham gia "Táo quân", thường xuyên bị so sánh với các nghệ sĩ gạo cội. Anh và đồng nghiệp có chạnh lòng?
- Làm nghề gì cũng có áp lực, diễn viên là nghề "làm dâu trăm họ" nên không thể tránh được những ý kiến trái chiều. Chúng tôi luôn biết trước, nếu làm vai này, vai kia sẽ bị so sánh, nhưng chúng tôi đương đầu để trưởng thành hơn.
Hơn nữa, đây là nhiệm vụ được giao, nên khi nhận vai Nam Tào hay Bắc Đẩu, chúng tôi cứ cố gắng hết sức.
Trung Ruồi bên mô hình các Táo của chương trình "Táo quân".
"Táo quân" đã mang lại cho anh những gì?
- Chương trình đã cho tôi những người chú, người anh, người bạn đồng nghiệp tuyệt vời. Nhiều diễn viên đã trở thành bạn thân của tôi ngoài đời.
Chúng tôi thân nhau đến mức, khi tôi chuyển về một chung cư ở đường Hồ Tùng Mậu, Duy Nam cũng về ở cùng. Khu này có thêm vợ chồng An Bình - Phương Nga, anh Thái Sơn cũng ở gần đây. Hay nhà anh Tự Long, Quang Thắng… có việc, tôi đều đến và các anh cũng có mặt ở nhà tôi khi được mời.
Tôi cũng gặp được nhiều người thầy trong nghề. Có nhiều thầy, tôi sẽ học được nhiều "võ" để diễn tốt hơn.
Tôi xuất thân từ một người biểu diễn trên mạng xã hội. Qua Táo quân, tôi được bảo chứng về việc biểu diễn chuyên nghiệp, chính thống hơn. Mấy nghệ sĩ còn trêu nhau "chúng mình lên Táo quân là đã có tem bảo hành"...
Không phải con nhà nòi, vì sao anh quyết định thi vào trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội?
- Bố tôi làm ở ngành nông nghiệp nhưng thích làm thơ, mẹ tôi từng tham gia đoàn văn công địa phương.
Nhà tôi ở Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ngày đó, chúng tôi vẫn có thói quen xem tivi và thích các chương trình như: Gặp nhau cuối tuần, hài kịch… Mọi người thường kháo nhau "Phạm Bằng, Công Lý giàu lắm", "Thảo Vân có nhà xịn, xe sang" vì làm diễn viên, MC…
Ngày đó, tôi học toán, lý, hóa không tốt nhưng văn lại ổn nên ôm mộng thi vào Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội để… đổi đời.
Năm đầu, tôi thi trượt nên học một trường về công nghệ thông tin nhưng vẫn nuôi ước mơ thi lại nghệ thuật một lần nữa.
Sau đó, tôi tìm hiểu thấy thi vào khoa Kịch hát dân tộc dễ hơn vào khoa Diễn viên nên đã đăng ký thi lại. Trước khi thi, tôi có học cấp tốc để hát dân ca.
Mẹ cho tôi 100.000 đồng để học trước khi thi. Vì tiền ít nên tôi đã nghĩ ra cách vào ký túc xá tìm mấy chị học năm cuối để nhờ dạy hát chèo. Các chị ấy không lấy tiền công nhưng tôi đã dùng tiền của mẹ, mời 4 chị đi uống nước để cảm ơn (cười).
Tôi thi và đủ điểm vào trường, những năm đầu sinh viên, tôi có đi đọc truyện thuê, sau đi diễn hài cho kênh Kem Xôi TV cùng: Minh Tít, Quỳnh Kool, Thương Cin…
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng nam nghệ sĩ chưa từng nghĩ sẽ bỏ nghề.
Những năm đầu ra trường, cuộc sống gặp khó khăn. Đã bao giờ anh nghĩ sẽ bỏ nghề?
- Từ năm 2011 đến năm 2015 là thời gian vất vả nhất nhưng tôi chưa từng muốn bỏ nghề. Thú thật, tôi từng nghĩ "đời mình liệu có ra gì không" khi không có ai gọi đi làm phim, bí bách không có tiền.
Thời sinh viên, tôi thường xuyên nợ tiền trà đá vì trong túi không có 3.000 đồng để trả, từng phải vay lãi 5 triệu đồng để có tiền tiêu.
Sau đó, tôi làm YouTube, được gọi đi diễn hài cùng nhóm Kem Xôi ở các tỉnh nên cũng có tiền.
Có những tháng, tôi cùng Minh Tít chạy show đến 28 ngày, có ngày 2-3 show diễn nên trả được nợ, mua được ô tô trả góp và cuộc sống dần khá lên.
Sau khi tham gia "Gala cười", "Táo quân" và một số phim truyền hình, thu nhập của anh có tăng lên?
- Cát-xê đúng là có tăng. Tôi làm lâu năm thì các bầu sô cũng trả cát-xê theo vật giá. Nhưng từ khi làm nghề đến giờ, tôi chưa có cú đột phá nào mà thu nhập tăng cao như các anh tài trong các chương trình "Anh trai"...
Nhưng có tin đồn anh rất đại gia…
- Tôi có một cuộc sống bình thường. Tuổi thơ rất khó khăn, vất vả nên tôi là một người tiết kiệm. Mẹ tôi là vợ thứ 2 của bố. Khi sinh tôi, bố 54 tuổi và đã nghỉ hưu. Vì thế mình mẹ tôi phải bươn chải, làm đủ nghề để kiếm sống, như: Bán chè đỗ đen, làm tạp vụ ở công ty giày hoặc ai có việc gì gọi, mẹ đi làm tất.
Tôi từng rất bế tắc, có những lúc muốn kiếm 100.000 đồng cũng khó.
Học lớp 9, tôi đã đi làm thêm. Tôi đi bê bia ở các quán nhậu, làm cả tháng, không có ngày nghỉ mà chỉ được trả 700.000 đồng. Về sau, tôi đi học nên không có thời gian đi làm thêm nữa nên mẹ tôi càng gánh nặng hơn.
Mẹ tôi là người miền Trung nên tiết kiệm rất giỏi. Một mình bà đã khéo léo nuôi được gia đình, nuôi tôi ăn học.
Gia đình hạnh phúc của diễn viên Trung Ruồi.
Từng nhận mình xấu lạ nhưng gương mặt của anh lại gây ấn tượng ở các tiểu phẩm, bộ phim. Hình như anh đã biến nhược điểm của mình thành ưu điểm?
- Tôi nghĩ, mỗi người có một vẻ đẹp riêng, đến một độ tuổi, việc đẹp xấu không còn quan trọng nữa. Tôi cứ làm hết sức với nghề. Mặt xấu có khi lại hay bởi khán giả không thể nhầm lẫn tôi với ai.
Các đạo diễn, nhà sản xuất cũng ấn tượng với vẻ xấu lạ nên tôi có nhiều cơ hội hơn. Kiểu cứ có vai nào xấu, quê thì tôi luôn được nhớ tới. Tôi luôn thấy biết ơn và nếu có cơ hội, tôi luôn diễn xuất hết mình vì nhân vật.
Thú thật, có nhiều nơi mời tôi sử dụng các dịch vụ để làm đẹp nhưng tôi từ chối vì muốn giữ những nét tự nhiên trên khuôn mặt.
Là diễn viên, làm việc cùng nhiều đồng nghiệp xinh đẹp, bà xã anh có ghen không?
- Cô ấy dễ tính và không ghen tuông. Thêm nữa, các mối quan hệ của tôi, vợ đều biết hết nên chúng tôi ít khi cãi nhau. Tôi không phải là người lãng mạn, nhưng những dịp quan trọng cũng tặng vợ món quà làm kỷ niệm.
Anh có thích ở nhà nấu ăn và chăm con?
- Tôi thích chơi với con nhưng nấu ăn rất dở (cười). Hôm nào vợ bận, tôi sang nhà Đỗ Duy Nam ăn chực. Tôi coi khu vực bếp là "Tây Lương nữ quốc" của bà xã (cười).
Cảm ơn anh vì những chia sẻ!
Nam diễn viên và khoảnh khắc thư giãn bên con gái.
Trung Ruồi (tên thật là Nguyễn Hà Trung, SN 1993) là diễn viên trẻ nổi bật trong làng hài miền Bắc với nhiều dự án phim sản xuất trên YouTube. Anh được biết đến từ khi là thành viên của nhóm hài Kem Xôi TV, Loa phường, sau đó tham gia sân khấu kịch.
Anh là một trong những diễn viên trẻ hiếm hoi được tham gia Táo Quân - Gặp nhau cuối năm. Trung Ruồi cũng tham gia một số phim truyền hình như: Những người nhiều chuyện, 11 tháng 5 ngày, Gia đình mình vui bất thình lình, Nơi giấc mơ tìm về và mới đây là Độc đạo.
Ngoài sự nghiệp thành công, Trung Ruồi còn có cuộc hôn nhân hạnh phúc với người đẹp Ngọc Hà. Cả hai kết hôn sau 3 năm hẹn hò và có một bé gái xinh xắn.
Ảnh: Nguyễn Hà Nam
Dantri.com.vn
Bình luận (0)