Chia sẻ của cô Phạm Lê Hà Thu (Joni Phạm), nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Melbourne và là nhà vật lý đang làm việc tại Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) nhân Ngày quốc tế phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học (11/2).
Nhà vật lý Joni Phạm bên hệ thống ATLAS được đặt trong trung tâm CERN. (Nguồn: CERN) |
Năm 2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã tuyên bố chọn ngày 11/2 hằng năm là Ngày quốc tế phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học. Ngày được tổ chức trên toàn thế giới như một thời điểm để thúc đẩy quyền tiếp cận và tham gia khoa học đầy đủ và bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái.
Nhân dịp này, cô Phạm Lê Hà Thu (Joni Phạm), nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Melbourne và là nhà vật lý đang làm việc tại Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) đã có những chia sẻ về công việc của mình, cũng như niềm đam mê với khoa học.
CERN là trung tâm nghiên cứu sở hữu máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới, nổi tiếng với những khám phá khoa học mang tính đột phá, cùng mục tiêu giải mã các bí ẩn của vũ trụ như vật chất tối và năng lượng tối, đồng thời khẳng định vai trò của khoa học trong việc thúc đẩy hòa bình giữa một thế giới đang có nhiều biến động.
Nhà vật lý Joni Pham cho biết ngoài công việc chuyên môn, cô còn phụ trách cả hoạt động và công tác tiếp cận cộng đồng cho thí nghiệm ATLAS, và các hoạt động truyền thông và giáo dục khác liên quan đến Cổng thông tin khoa học của CERN.
“Là một nhà khoa học, bên cạnh công việc chính, tôi cũng rất hứng thú với việc giới thiệu cho mọi người về thí nghiệm ATLAS đang được thực hiện ở CERN. Đây là công việc được tập trung phát triển ở trung tâm này, với hy vọng có thể thúc đẩy các vụ va chạm hạt. Và với điều này, tôi tìm thấy nhiều động lực và ý nghĩa hơn trong dự án nghiên cứu của mình”, nhà vật lý Joni Pham nói.
Trong năm 2024, chính Joni Phạm cũng tham gia giới thiệu cho Phái đoàn Việt Nam tại Geneva tới thăm CERN.
Cô chia sẻ: “Niềm đam mê khoa học của tôi được khơi dậy bởi sự tò mò muốn khám phá. Tôi rất thích 'những thế giới mà mắt thường không thể tiếp cận và nhìn thấy được, như các nguyên tử và hạt hạ nguyên tử'. Khi tôi bắt đầu làm việc với tư cách là người chuyển đổi kiểm soát hoạt động của một bộ phận thuộc ATLAS, tôi rất lo lắng, nhưng nhờ sự hỗ trợ của mọi người, tôi đã hoàn thành công việc. Bây giờ tôi đã trở thành người đứng đầu ca, tôi thực sự biết ơn tất cả mọi người, giúp tôi có cơ hội làm việc tại CERN. Đó là những người liên tục khuyến khích tôi vượt ra khỏi vùng an toàn của mình".
Mới đây, trong chuyến về thăm gia đình tại Việt Nam và khám phá những miền đất mới, như lên Hà Giang, nhà vật lý Joni Phạm cho biết cô rất xúc động khi chứng kiến quá trình đổi thay của đất nước.
“Tôi rời Việt Nam ở thời điểm đất nước mở cửa chào đón nhiều thương hiệu nước ngoài, và các chuỗi cửa hàng như Starbucks trở thành địa điểm có sức hấp dẫn lớn tới giới trẻ. Các hàng quán Việt cũng học hỏi theo trào lưu Âu Mỹ hoặc Hàn Quốc.
Lần này trở về Việt Nam sau gần một thập kỷ xa quê, tôi vui mừng khi thấy sự trỗi dậy của các thương hiệu thuần Việt, với kiểu cách bày trí cũng như phong cách ẩm thực đậm đà bản sắc dân tộc. Chuỗi cà phê như Cộng đã tái hiện lại cuộc sống của thế hệ trước đây..., những hình ảnh rất đỗi bình dị và thân quen với tất cả gia đình", nhà vật lý Joni Pham cho biết.
Ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều quán cà phê được mở trong những chung cư cũ, tái hiện lại khung cảnh của hơn nửa thế kỷ trước. Theo cô, điều này chứng minh rằng giới trẻ càng ngày càng trân trọng những giá trị văn hóa, lịch sử. Những hàng quán mang nét hoài cổ cũng là những địa điểm tuyệt vời cho các gia đình, giúp kết nối nhiều thế hệ, giúp người lớn tuổi tìm lại được cả trời kỷ niệm, còn người trẻ được sờ chạm vào những điều họ chỉ có thể mường tượng từ câu chuyện của thế hệ trước.
Joni Phạm cũng đặc biệt chú ý đến những lựa chọn thời thượng của giới trẻ hiện nay là cà phê trứng, cà phê muối, cà phê sữa dừa, hoặc các món trà trái cây nhiệt đới - những thức uống và nguyên liệu mang phong cách rất Việt Nam.
Những quán cà phê nhỏ, không thuộc một chuỗi thương hiệu nào, cũng thể hiện mình theo những cách độc đáo - rang xay cà phê tại quán, hướng dẫn và giới thiệu du khách về các loại cà phê địa phương và các phương pháp pha chế khác nhau. Một số nơi còn mở workshop về cà phê hoặc trà đạo Việt để du khách nước ngoài có thể học hỏi, thưởng thức và trải nghiệm văn hóa ẩm thực Việt.
"Qua những trải nghiệm mới mẻ trên chính quê hương mình, tôi vui mừng khi thấy tín hiệu mới mẻ đầy lạc quan về phát triển du lịch và kinh tế bền vững từ những người trẻ, thông qua ý thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường và nỗ lực giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử”, nhà vật lý Joni Phạm nhấn mạnh.
Nguồn: https://baoquocte.vn/ngay-quoc-te-phu-nu-va-tre-em-gai-trong-khoa-hoc-bong-hong-vat-ly-viet-nam-o-chau-au-303907.html
Bình luận (0)