Tết Nguyên đán và giá trị bền vững của gia đình Việt

Báo Dân SinhBáo Dân Sinh29/01/2025

(VTE) - Mỗi dịp Tết đến, xuân về là “cơ hội vàng” để khẳng định giá trị gia đình và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.


Người Việt vươn xa trong thời kỳ toàn cầu hóa

Tết Nguyên đán và giá trị bền vững của gia đình Việt - 1
Từ bao đời nay, Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất của người Việt (Ảnh: Trần Hạnh).

Toàn cầu hóa đã mở ra cơ hội để người Việt tiếp cận với thế giới rộng lớn. Với khát khao học hỏi, nhiều người Việt đã di cư đến các châu lục như châu Mỹ, châu Âu, châu Úc để học tập và làm việc. Hiện nay, có hơn 5 triệu người Việt đang sinh sống, lao động tại gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Sự kết nối toàn cầu thông qua công nghệ và Internet giúp người Việt nhanh chóng tiếp cận tri thức và giá trị văn hóa mới. Một thế hệ "công dân toàn cầu" người Việt đã ra đời.

Nhiều trẻ em gốc Việt được sinh ra ở nước ngoài, nói thành thạo nhiều ngôn ngữ và hòa nhập sâu vào môi trường quốc tế. Họ không chỉ tích lũy kiến thức, kỹ năng mà còn góp phần làm giàu cho đất nước bằng chính những thành quả từ lao động, học tập nơi xứ người.

Dù ở đâu, người Việt vẫn luôn hướng về quê hương, duy trì bản sắc văn hóa và ngôn ngữ mẹ đẻ. Các gia đình Việt kiều ở Mỹ, Đông Âu, Úc… vẫn dạy con nói tiếng Việt. Các lớp, các trường phổ thông Việt Nam đã được xây dựng và hoạt động ở nhiều nơi.

Những giá trị truyền thống vốn là cốt lõi của gia đình Việt được duy trì và lưu truyền trong những gia đình Việt kiều. Đây chính là sợi dây gắn kết cộng đồng người Việt với quê nhà, giúp họ duy trì bản sắc văn hóa dù sống trong môi trường đa dạng của toàn cầu hóa.

Tết Nguyên đán cổ truyền đã được quốc tế hóa

Từ bao đời nay, Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất của người Việt. Đây không chỉ là dịp nghỉ ngơi, hướng về tổ tiên mà còn là cơ hội thắt chặt các mối quan hệ gia đình, họ hàng.

Tết Nguyên đán và giá trị bền vững của gia đình Việt - 2
Phong tục chúc Tết của người Việt được đúc kết trong câu nói: “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” (Ảnh: TL).

Tuy nhiên, đối với người Việt sống ở nước ngoài, việc đón Tết đôi khi gặp không ít trở ngại. Nhiều quốc gia không công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ, khiến cộng đồng người Việt phải cân đối giữa công việc và phong tục truyền thống.

Một dấu mốc quan trọng đã đến vào ngày 22/12/2023, khi Đại Hội đồng Liên hợp quốc chính thức thông qua nghị quyết công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hằng năm.

Nghị quyết này không chỉ khẳng định giá trị văn hóa đặc biệt của Tết Nguyên đán mà còn khuyến khích các cơ quan Liên hợp quốc không tổ chức họp vào ngày đầu năm Âm lịch. Đây là bước tiến lớn, giúp quốc tế hóa Tết cổ truyền và tạo điều kiện để người Việt toàn cầu đón Tết một cách trang trọng và ý nghĩa hơn.

Tết là dịp để kết nối và gìn giữ giá trị gia đình

Tết Nguyên đán từ lâu đã trở thành thời điểm để người Việt đoàn tụ, gắn kết gia đình và thể hiện tình yêu thương.

Những phong tục như gói bánh chưng, cúng gia tiên, chúc Tết, mừng tuổi… không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là cách để mỗi thành viên bày tỏ lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ. Bữa cơm sum họp ngày đầu năm là khoảnh khắc không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt.

Với người Việt ở nước ngoài, khát vọng được về quê hương đón Tết luôn cháy bỏng. Các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng thường đông nghịt người trong dịp này.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội về Việt Nam. Đối với những người ở lại, họ mang không khí Tết cổ truyền đến nơi xa xứ bằng cách tổ chức lễ hội, bày biện hoa đào, hoa mai và chuẩn bị các món ăn truyền thống. Một số gia đình thậm chí bao cả nhà hàng hoặc hội trường lớn để cộng đồng người Việt cùng nhau đón xuân.

Điều đặc biệt là thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài - Thế hệ công dân toàn cầu đã tìm cách bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống. Họ sử dụng công nghệ để thu hẹp khoảng cách địa lý, lưu giữ phong tục qua các bộ phim, bài hát mang âm hưởng dân gian.

Dù sống giữa dòng chảy hiện đại của toàn cầu hóa, bản sắc văn hóa Việt vẫn được gìn giữ một cách trọn vẹn.

Toàn cầu hóa vừa mở ra những cơ hội lớn, vừa đặt gia đình Việt Nam trước nhiều thách thức. Tuy vậy, với bản lĩnh kiên cường và ý thức gìn giữ văn hóa, người Việt vẫn bảo tồn được những giá trị truyền thống, biến gia đình thành "pháo đài" vững chắc.

Tết Nguyên đán không chỉ là dịp sum vầy, đoàn tụ mà còn là thời điểm để khẳng định và phát huy những phẩm chất cao đẹp, cốt lõi của người Việt.

Giữa những biến động không ngừng của thế giới, gia đình Việt Nam vẫn là chốn nương tựa vững chãi, nguồn sức mạnh tinh thần cho mỗi con người.

Sự thừa nhận Tết Nguyên đán từ cộng đồng quốc tế đã nâng tầm giá trị lễ hội này, biến nó trở thành biểu tượng văn hóa trường tồn, minh chứng cho sức mạnh gắn kết và ý nghĩa bền vững của gia đình Việt.

Hồ Bất Khuất

Ấn phẩm Vì trẻ em Xuân Ất Tỵ 2025



Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/tet-nguyen-dan-va-gia-tri-ben-vung-cua-gia-dinh-viet-20250125093145652.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available