Hà NộiBệnh nhân nam mắc tâm thần phân liệt, thường cầm ô ngồi bất động không chịu ăn uống, điều dưỡng Thanh Huyền suy nghĩ mãi và quyết định cầm ô ngồi cùng anh.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Huyền, 41 tuổi, 18 năm công tác tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, trực tiếp chăm sóc bệnh nhân trên. Người đàn ông 55 tuổi, nhập viện tháng 3 hai năm trước, mắc bệnh tâm thần phân liệt, có ảo giác thính giác, liên tục nghe thấy tiếng nói trong đầu. Anh thường cầm ô ngồi xổm một góc, khoanh tay, bó gối, một mình sống trong thế giới nội tâm riêng.
Ngoài thời gian cho bệnh nhân dùng thuốc cùng các liệu trình điều trị, điều dưỡng Huyền cố gắng ở bên cạnh quan sát, chuyện trò để hiểu người bệnh hơn. Sau một thời gian cầm ô ngồi cùng bệnh nhân, chị đã thuyết phục được anh đi lại và ăn uống trong ô, dần dần anh bắt đầu hồi phục.
“Tôi muốn được bước vào thế giới nội tâm của bệnh nhân, chia sẻ với họ giống như một người bạn thực sự”, chị Huyền nói.
Theo Elevate Psychiatry, sự đồng cảm, khả năng hiểu và chia sẻ cảm xúc với người bệnh đóng vai trò then chốt trong điều trị. Bệnh nhân tâm thần thường bị dày vò với cảm xúc, suy nghĩ và sự đấu tranh. Y bác sĩ có thể làm giảm bớt gánh nặng này bằng cách tạo ra một không gian an toàn, không phán xét, nơi bệnh nhân cảm thấy được lắng nghe, hỗ trợ.
Sự đồng cảm cũng là chất xúc tác để giao tiếp, điều trị hiệu quả. Bằng cách hiểu nội tâm người bệnh, bác sĩ cùng điều dưỡng sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp với nhu cầu và trải nghiệm riêng của họ. Cách tiếp cận được cá nhân hóa giúp nâng cao kết quả điều trị.
Chương trình giảng dạy Sơ cứu Sức khỏe Tâm thần (MHFA) cho rằng sự đồng cảm là luôn đặt mình ở vị trí của bệnh nhân để thấu hiểu, sẻ chia. Điều này không chỉ giúp ích cho sức khỏe bệnh nhân mà còn có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe cho chính người chăm sóc. Thông qua việc thể hiện sự đồng cảm, nhân viên y tế khoa tâm thần có thể xử lý các tình huống căng thẳng hoặc thử thách về mặt cảm xúc, từ đó giúp quản lý căng thẳng của chính mình hiệu quả hơn, chăm sóc người bệnh tốt hơn.
Chị Huyền cho rằng với bệnh nhân t âm thần phân liệt, giọng nói luôn hiện diện trong đầu họ hoạt động giống như một chiếc radio, liên tục quét môi trường để tìm những tín hiệu phản hồi. Điều này đôi khi dẫn đến hành vi chống đối xã hội.
“Điều quan trọng là họ cảm thấy được lắng nghe”, chị nói. Người bệnh tâm thần không chỉ đối mặt với những khó khăn về sức khỏe tâm lý, mà còn gánh chịu sự phân biệt đối xử và miệt thị từ xã hội. Họ bị nhạo báng, khinh miệt, nên cảm thấy tổn thương và cô đơn. Nỗi đau càng lớn hơn khi họ bị mất đi sự tôn trọng và đồng cảm từ người xung quanh, khó tìm được việc làm, khó duy trì mối quan hệ.
Bệnh viện đang điều trị hơn 100 bệnh nhân với nhiều tình trạng sức khỏe tâm thần khác nhau, bao gồm trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, động kinh, chậm phát triển. Nhiệm vụ mỗi ngày của chị Huyền là chăm sóc khoảng vài chục bệnh nhân, đích thân theo dõi từng người.
Chăm sóc bệnh nhân tâm thần là công việc nhiều thách thức, nhất là khi người bệnh không hợp tác, trí óc không minh mẫn và cần nhiều thời gian để hỗ trợ tâm lý. Đơn cử, một bệnh nhân bị kích động, lao vào viện, tay cầm hai con dao, uy hiếp y bác sĩ. Huyền phải lựa lời hỏi han mất 15 phút, bệnh nhân mới trấn an, nói rằng rất đau đầu, xuất hiện nhiều hình ảnh lạ rùng rợn trong não, cảm thấy mọi người có ý làm hại mình nên cầm dao phòng thủ. Khi người bệnh bỏ con dao xuống bàn, nữ điều dưỡng nhanh tay cất đi, sau đó cùng ê kíp xử trí bằng thuốc tiêm.
Hoặc, một bệnh nhân lớn tuổi bị mất trí nhớ nghiêm trọng, thường xuyên có những hành vi bất thường gây nguy hiểm. Ban đầu, bệnh nhân hung hãn khiến y bác sĩ khó tiếp cận. Sau đó, nhờ các kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ như gương mặt và cử chỉ, nữ điều dưỡng và đồng nghiệp dần tạo một môi trường an toàn và thân thiện, giúp bệnh nhân giảm lo lắng.
“Nhân viên y tế khoa tâm thần luôn phải hết sức kiềm chế, trong mọi tình huống phải giữ thái độ bình tĩnh, làm chủ cảm xúc của bản thân”, cô nói, thêm rằng “dù hoàn cảnh nào, chúng ta nên tôn trọng người bệnh tâm thần”.
Chăm sóc điều trị bệnh nhân bình thường đã vất vả, chăm sóc bệnh nhân tâm thần còn vất vả hơn. Thuở mới vào nghề, Huyền phải vật lộn để đối phó với những cảm xúc tiêu cực và tự tìm cách để giải tỏa cảm xúc.
“Bệnh nhân tâm thần có lý lẽ của riêng họ”, nữ điều dưỡng nói, thêm rằng luôn cố gắng hết sức để hiểu bệnh nhân và tận dụng tốt nhất các điều kiện sẵn có điều trị cho họ. Bù lại, Huyền nhận lại nhiều tình cảm từ người bệnh. Một bệnh nhân nam trẻ, tốt nghiệp đại học, viết tặng Huyền một tờ giấy kín những dòng chữ mong muốn chị luôn bình an trong cuộc sống. Huyền cũng chăm sóc một bệnh nhân là tiến sĩ rất thích vẽ. Khi anh đủ sức khỏe để xuất viện đã vẽ một tác phẩm nghệ thuật tặng cho cô điều dưỡng.
“Những hành động nhỏ đó khiến tôi ấm lòng”, Huyền nói, “Tôi mong mọi người sẽ luôn nhìn nhận người bệnh tâm thần với lòng đồng cảm và tôn trọng”.
Thúy Quỳnh