Chủ đề chữa lành đang được rất nhiều bạn trẻ quan tâm, đặc biệt đối với những bạn trẻ chuẩn bị ra trường, mới bắt đầu công việc mới.
Bác sĩ tâm lý học lâm sàng Nguyễn Hồng Bách (Trung tâm tâm lý lâm sàng DrMP, Hội Tâm lý học Việt Nam) sẽ có những chia sẻ để mỗi người có thêm góc nhìn về việc chữa lành.
* Xin bác sĩ chia sẻ nên hiểu thế nào về chữa lành?
– Chữa lành phải đúng đối tượng, đó là những người đang gặp phải vấn đề tâm lý, những cú sốc cực đại. Vậy những người cần chữa lành là ai?
Đó là những người gặp sang chấn tâm lý để lại hậu quả lâu dài. Những người rối loạn cảm xúc chiều sâu, dẫn tiến trầm cảm; người rối loạn ám ảnh cưỡng chế khởi nguyên ám ảnh từ ấu thơ và những người rối loạn ám ảnh cưỡng chế nguyên căn, khởi phát từ áp lực cuộc sống, công việc.
Khi gặp những tình trạng này hay đến gặp bác sĩ tâm thần, tâm lý lâm sàng hay chuyên gia tâm lý đúng nghĩa để được chữa lành.
Còn rất nhiều những rối loạn cảm xúc đời thường thông qua khoảnh khắc, qua những cơn cáu giận tức thời thì tự bản thân mỗi chúng ta đều tự biết làm lành lại những vết rạn đó một cách tốt nhất qua cách sống, qua việc rèn luyện cơ thể, qua học tập và làm việc.
Những người tự cho mình cần phải chữa lành, họ bỏ thời gian tham gia những khóa học, vứt bỏ bản thân, bỏ công việc, bỏ cả gia đình có thể gây hệ lụy lớn đến cuộc sống.
Khi tham gia những hội nhóm chữa lành, bạn có thể phải nhận lấy một tư duy rằng bạn không ổn, các bạn phải chữa lành để cho mình một tư thế sống thoải mái nhất. Đã có những người tham gia khóa học chữa lành, lúc ấy họ cảm thấy rất thoải mái, rất an nhiên. Nhưng khi quay trở lại cuộc sống thì cảm giác đó không còn nữa. Vậy rồi họ lại đi chữa lành, đó là sự bám chấp.
Thực tế, ở mỗi con người khi lớn lên đều ít nhiều gặp những sóng gió. Nhưng không phải sóng gió nào cũng đủ để làm cho chúng ta phải rơi vào trạng thái trầm cảm. Có thể đó chỉ là những rối loạn cảm xúc hoặc rối loạn mất cân bằng, hay còn gọi một cách nhẹ nhàng hơn là stress.
Chúng ta từ khi biết nhận thức đã dung nạp nhiều thứ khác nhau trong cuộc sống và gần như không có điều gì làm cho chúng ta hài lòng.
Khi đi học thì không hài lòng về kết quả học tập, không hài lòng về mối quan hệ bạn bè, cha mẹ hay cuộc sống. Lớn hơn chút nữa khi bắt đầu đi làm thì áp lực của công việc, áp lực của thu nhập, đồng nghiệp. Thực ra, tất cả những điều đó đã có sẵn trong cuộc sống rồi. Phải hiểu đó là những lẽ sống nhân sinh để người ta có thể hoàn thiện.
* Nhiều bạn trẻ mới ra trường thấy áp lực sẽ tìm cách đi du lịch, bỏ việc để “chữa lành”, anh thấy sao?
– Chữa lành mà bằng cách đi du lịch rồi đi ăn chơi cùng bạn bè đó có thể là một trạng thái của trạng thái tâm thần bất ổn. Ví dụ có những người căng thẳng quá thì chỉ có ăn mới xả stress; có người lại nghiện mua sắm; hoặc chỉ muốn ngồi với bạn bè… Họ có thể ăn đến mức béo phì, hay chán ăn đến mức sụt cân nghiêm trọng.
Hoặc bất chấp mọi thứ, vay mượn nợ nần để mua sắm, du lịch.
Nếu xét bệnh lý, đấy là sự rối loạn cảm xúc của tâm thần chứ không còn là tâm lý nữa. Không phải bỗng nhiên họ muốn tìm đến những thói quen đó để mua vui mà là một trạng thái rối loạn. Nếu những điều ấy xảy ra thường xuyên, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, nên sớm đi gặp bác sĩ để được tư vấn.
* Anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ đang gặp áp lực công việc, cuộc sống?
– Khi các bạn gặp khó khăn, áp lực trong công việc, đó không phải là lúc các bạn cần chữa lành. Mà điều quan trọng là các bạn phải biết chấp nhận.
Có những người rất ghét công việc của họ đang làm, họ ghét công việc dẫn đến ghét tất cả mọi thứ xung quanh. Bản lĩnh của mỗi người có hay không là ở lúc này. Nếu bạn muốn đạt được khát khao thì phải trải qua những cái thăng trầm mới có thể cảm nhận hết những điều ý nghĩa.
Thiền để chữa lành, nên hiểu cho đúng
Bác sĩ Nguyễn Hồng Bách chia sẻ về một người phụ nữ, sau khi tan vỡ trong cuộc hôn nhân, hai con đều chọn đi theo bố, cô ấy đã rơi vào trầm cảm. Sau đó, cô tham gia một khóa chữa lành. Đến đây, khi nghe người ta nói về thuyết pháp, về buông bỏ, những gì tốt đẹp về cuộc sống, chị cảm thấy tinh thần thư giãn.
Thế nhưng chỉ sau 2 tuần khi tham gia khóa học, chị lại rơi vào trạng thái như cũ. Nghĩa là, chị ấy đang “mượn” vào một chiếc phao chứ không giải quyết được tận gốc vấn đề.
“Để chữa lành, họ phải nhận thức ra được chính con người của họ, họ đang gặp phải điều gì. Có một câu ngạn ngữ rất hay “cởi chuông phải do người buộc chuông”.
Còn việc thiền để chữa lành chưa được hiểu đúng nghĩa – thiền giúp chúng ta an từ tâm, an từ nội tại và dẹp bỏ bớt những tham sân không đáng có. Qua việc thiền, giúp người ta nhận ra cuộc sống có ý nghĩa hơn và thiền không phân biệt việc đang có rối loạn hay không có rối loạn mới đi thiền. Có thời gian thiền là rất tốt.
Ngoài thiền định, còn rất nhiều cách khác nhau để tập luyện việc an định tâm trí như đọc sách, nghe nhạc… Cuối cùng, mỗi người hãy sắp xếp thời gian, biết cất bỏ tạp niệm, yêu lao động, nhân sinh mở thì tâm luôn khoáng đạt và chẳng cần đến chữa lành”, bác sĩ Bách nhắn nhủ.