Bệnh viện tâm thần vốn là nơi mà khi nhắc đến người ta sẽ nghĩ ngay đến những con người có số phận bất hạnh, ngây ngây, dại dại, thường xuyên hú hét, lên cơn hoảng loạn. Thế nhưng, dưới đôi bàn tay chu đáo của các y bác sĩ, đặc biệt là các điều dưỡng tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, mỗi con người nơi đây như được chữa lành.
Gắn bó với công việc điều dưỡng tại khoa A, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, hàng ngày chị Nguyễn Thị Nhung tận tình chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, từ uống thuốc đến sinh hoạt cá nhân.
“Ở các chuyên khoa khác, người bệnh nằm viện lúc nào cũng sẽ có người nhà đi cùng chăm sóc nhưng với bệnh nhân tâm thần thì ngược lại. 95% bệnh nhân ở đây là nhân viên y tế chăm sóc thay người nhà, từ ăn, uống, tắm rửa, cắt tóc, ngủ nghỉ, bài tiết cho đến các vấn đề về tinh thần, tâm lý”, chị Nhung nói.
Tại bệnh viện này, đa phần bệnh nhân bị sang chấn tâm lý, bị những cú sốc cuộc đời dẫn đến tổn thương các thực thể ở não. Có người thẫn thờ ngắm đất trời, người cúi gằm mặt ngắm đàn kiến bò qua rồi cười như nắc nẻ, người nói liên miên không ngớt. Có người cả ngày, cả tháng chẳng hé răng nửa lời, nhưng bất chợt lại hét lên, chửi rủa, nhảy xổ vào đánh, đấm bác sĩ.
Chính vì vậy, trong suốt 5 năm điều trị và chăm sóc cho người bệnh tâm thần, chị Nhung cũng đã từng nhiều lần bị bệnh nhân uy hiếp, tấn công dữ dội khi họ lên cơn kích động.
“Những lúc lên cơn họ hung dữ lắm, 4 – 5 y tá, bác sĩ phải giữ, cố định chân tay để tiêm thuốc. Thế nhưng đó là lúc họ “điên”, còn khi “tỉnh”, họ lại hiền vô cùng, biết lỗi và tỏ ra ăn năn, hối hận vì trót làm… bác sĩ buồn. Họ đáng thương lắm, nhiều người bị hàng xóm kỳ thị, gia đình bỏ rơi, nếu mình không quan tâm, chăm sóc, điều trị cho họ thì liệu họ có còn cơ hội trở về cuộc sống đời thường” – điều dưỡng Nhung chia sẻ.
Cũng giống như chị Nhung, chị Nguyễn Phương Dung – Điều dưỡng tại khoa A, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cũng không ít lần bị chính những bệnh nhân của mình tấn công, mắng chửi. Thế nhưng, chính sự yêu thương, đồng cảm với hoàn cảnh của người bệnh lại giúp chị Dung vượt qua.
“Những ngày đầu làm ở đây, tôi không tránh khỏi cảm giác sợ hãi, lo lắng mỗi khi chứng kiến bệnh nhân lên cơn kích động, đập phá… Nhưng lâu dần thành quen và rồi thấy thương, đồng cảm với những con người bất hạnh này. Xã hội định kiến với bệnh nhân tâm thần đã đành, nhiều bệnh nhân còn bị chính người thân, gia đình hắt hủi, ghẻ lạnh. Họ đã tìm đến đây với chúng tôi thì chúng tôi không bao giờ được coi họ là “người điên”, có chăng chỉ là những “bệnh nhân đặc biệt” mà thôi”, chị Dung nói.
Cũng theo chị Dung, người bệnh tâm thần thường phải chịu sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng nên họ khát khao được trò chuyện, dù quen hay lạ. Thế nên ở đây các điều dưỡng, y bác sĩ đều gọi bệnh nhân bằng tên và nhớ rõ từng đặc điểm bệnh, hoàn cảnh của họ.
“Nhiều khi chúng tôi còn đóng vai làm người yêu, lúc thì bố mẹ, bạn bè… để tạo cho họ cảm giác gần gũi, thân quen và tin tưởng, trút cơn uất ức, giải tỏa sự bí bức trong lòng. Những cuộc chuyện trò thân mật, những lời hỏi thăm vừa là nghiệp vụ chẩn bệnh, điều trị, vừa là cách để giúp họ dần kết nối lại với xã hội. Khi khỏi bệnh, họ đủ tỉnh táo nói hai lời cảm ơn. Niềm hạnh phúc lúc ấy thật khó để diễn tả hết được”, chị Dung chia sẻ.
Đằng sau cánh cửa sắt luôn khóa kín của khu điều trị bệnh nhân tâm thần là những câu chuyện ẩn chứa biết bao điều đáng trân quý về y đức, về tình người. Một trái tim yêu thương, tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề, họ – những điều dưỡng điều trị và chăm sóc bệnh nhân tâm thần đã và đang nỗ lực từng ngày lan tỏa tình người ấm áp để giúp người bệnh trở về với cuộc sống đời thường.