Thiếu úy, bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh (28 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) là trường hợp khá đặc biệt khi đã 2 lần được trao giải thưởng Thanh niên sống đẹp.
Trong giai đoạn TP.HCM căng thẳng vì dịch Covid-19, Nguyệt Thanh là bác sĩ công tác tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Khi đó, bên cạnh việc tham gia các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế và khoa học sức khỏe, Thanh còn tích cực đóng góp vào công tác phòng chống dịch bệnh.
Sau đó, Thanh là 1 trong 65 cá nhân được T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng Giải thưởng Thanh niên sống đẹp năm 2021. Mới đây, trong danh sách 20 cá nhân được Giải thưởng Thanh niên sống đẹp năm 2023 lại có tên Thanh.
Nữ bác sĩ trẻ chia sẻ: “Mình hạnh phúc khi được xướng tên trong Giải thưởng Thanh niên sống đẹp thêm một lần nữa. Cảm xúc có thêm phần đặc biệt khi giờ đây trên mình đã mang màu sắc quân đội”. Bởi Nguyệt Thanh hiện là thiếu úy, bác sĩ, trợ lý Phòng Khoa học quân sự của Bệnh viện Quân y 175.
Đam mê nghiên cứu khoa học
Năm 2021, Đỗ Phạm Nguyệt Thanh được chọn để trao tặng Giải thưởng Thanh niên sống đẹp trong lĩnh vực tình nguyện vì cộng đồng. Còn năm 2023, cô bác sĩ trẻ được vinh danh ở lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học. “Có lẽ những đề tài nghiên cứu như: cộng đồng nguồn tạng sống; sử dụng đèn ánh sáng đỏ trong thiết lập tĩnh mạch ngoại biên ở trẻ em; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tiên lượng kháng kháng sinh ở bệnh nhân hồi sức tích cực… đã giúp mình được xét chọn”, Thanh nói.
Nguyệt Thanh cho biết niềm đam mê nghiên cứu khoa học được nuôi dưỡng từ lúc cô còn là sinh viên ngành y đa khoa. “Năm 2017 mình thực hiện đề tài cộng đồng nguồn tạng sống và đoạt giải nhì cuộc thi Giải pháp sáng tạo Y tế cộng đồng. Khi đó mình được PGS-TS-BS Trần Văn Thuấn (đang là Thứ trưởng Bộ Y tế – PV) khen: “Thầy đánh giá cao đề tài của em”. Lời khen ấy đã thổi bùng thêm động lực giúp mình dám nghĩ, dám làm để nghiên cứu khoa học”, Thanh chia sẻ.
Chính chữ “dám” ấy đã giúp nữ bác sĩ trẻ tuổi này thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế và khoa học sức khỏe, trở thành đại biểu tham gia Hội nghị các nhà khoa học trẻ ASEAN 2020, có những bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học y khoa uy tín…
Nếu như nhiều người theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học hàn lâm thì Thanh tự nhận mình “có lối đi hơi khác”. Thanh thích nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cộng đồng, qua đó tháo gỡ, giải quyết được những vấn đề khó khăn trong thực tiễn nhằm giúp nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân.
Thanh chia sẻ: “Sở dĩ mình thích nghiên cứu khoa học vì nếu như cứ làm mọi thứ lặp đi lặp lại giống nhau qua mỗi ngày thì… rất chán. Còn nghiên cứu khoa học sẽ giúp tìm ra được những thứ mới mẻ, phù hợp với sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ của y học bằng chứng…”.
“Mình yêu thành phố này lắm”
Nguyệt Thanh tự nhận mình là “cô gái hay xê dịch”. Bằng chứng là Thanh đã đặt chân đến 20 quốc gia trên thế giới với những hoạt động giao lưu thanh niên, sinh viên quốc tế… Sắp tới đây, cô sẽ là thành viên của đoàn đại biểu các nước Đông Nam Á tham gia hoạt động 50 năm quan hệ hợp tác Nhật Bản và ASEAN.
“Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm mới mẻ riêng biệt, nhưng sau cùng là giúp mình lớn, trưởng thành và có nhiều vốn sống hơn. Bên cạnh đó, mình được học hỏi và tiếp nhận nhiều kiến thức quý giá”, Thanh kể.
Cũng từ những chuyến đi, Thanh nhận ra: “Người trẻ VN giỏi. Tuy nhiên còn nhiều “điểm trừ”, như biết nhiều nhưng chưa hiểu sâu về một vấn đề cụ thể. Bên cạnh đó, có những người trẻ còn thiếu sự tự tin, ngại nói, chưa dám đưa ra chính kiến để tranh biện vì sợ sai. Nếu cải thiện được những điều ấy, hình ảnh của người trẻ VN trong mắt bạn bè quốc tế sẽ đẹp hơn rất nhiều”.
Trò chuyện với thiếu úy, bác sĩ trẻ tuổi này, dễ nhận ra hai điều. Một là Thanh thích nói về người trẻ, hai là cô luôn nói về TP.HCM với sự tự hào. “Mình yêu thành phố này lắm”, Thanh thổ lộ.
Chính vì yêu, nên Thanh bộc bạch: “Bây giờ và sau này, mình sẽ luôn cố gắng để đóng góp vào sự phát triển của thành phố bằng chuyên môn, bằng nghiên cứu khoa học và những dự án vì cộng đồng…”.
Nói về tương lai, Thanh cho biết hy vọng được thực hiện một chiến dịch với quy mô toàn quốc để người dân hiểu rõ hơn về việc hiến, ghép mô, tạng. Mục đích là nhằm nâng cao số lượng nguồn tạng hiến cũng như hiệu quả thành công của các ca hiến, ghép tạng tại VN.
Đỗ Phạm Nguyệt Thanh nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có: bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM; bằng khen của T.Ư Đoàn về nội dung đạt giải khuyến khích và giải nhì (bảng cán bộ Đoàn) trong cuộc thi Olympic tiếng Anh dành cho cán bộ trẻ năm 2020. Thanh được bình chọn là Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2020; nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế nhờ đạt giải nhì trong cuộc thi giải pháp sáng tạo y tế cộng đồng năm 2016…
Thanhnien.vn