Theo nội dung bài viết đăng tải trên mạng xã hội, giải nhất cuộc thi phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát thuộc về Liên danh Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải và Công ty cổ phần kiến trúc Lập Phương (Liên danh TEDI – CUBIC), với ý tưởng kiến trúc mang tên “Cánh chim hòa bình”.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người trong ngành cũng như cộng đồng mạng, đây là một ý tưởng lấy lại từ cầu Thạch Hãn 1.
“Người dân đặt ra câu hỏi về tính công bằng cũng như giá trị mà cuộc thi và những người tổ chức mang lại cho thủ đô. Bỏ ra rất nhiều kinh phí của Nhà nước để tổ chức cuộc thi. Các đơn vị tham gia cũng dồn tâm huyết để cho ra những phương án hợp lý, ý nghĩa với Hà Nội nhưng thu lại một kết quả không xứng đáng, gây tranh luận nhiều khiến cuộc thi trở nên vô nghĩa, lãng phí thời gian cũng như tiền bạc”, bài viết nêu rõ.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, thành viên ban giám khảo cuộc thi, cho biết trong quá trình thi tuyển, hội đồng chưa biết đến cầu Thạch Hãn 1.
“Lúc chấm điểm, hội đồng chỉ thấy thiết kế cây cầu này (cầu mang tên “Cánh chim hòa bình” – PV) được. Giờ phát hiện ra thì tôi thấy 2 cây cầu giống nhau về hình thức kiến trúc, quy mô thì khác nhau”, ông Chính chia sẻ thêm.
Theo ông Chính, thủ đô Hà Nội chỉ có một và sông Hồng cũng chỉ có một. Với dân số hơn 10 triệu người, cây cầu ở Hà Nội không chỉ mang ý nghĩa là công trình giao thông mà còn mang ý nghĩa là công trình kiến trúc đặc biệt của thủ đô.
“Khi giải nhất thiết kế cầu Thượng Cát đạo kiến trúc một cây cầu ở địa phương khác được phát hiện, điều này đã làm mất đi ý nghĩa của cây cầu đối với Hà Nội. Người ta sẽ thắc mắc vì sao Hà Nội lại xây dựng cầu Thượng Cát đạo thiết kế cầu Thạch Hãn 1. Là công dân thủ đô, dù trong hội đồng chấm giải nhưng tôi vẫn thấy tự ái”, ông Chính bày tỏ và đồng tình với kiến nghị về việc UBND TP.Hà Nội hoặc cơ quan có thẩm quyền cần sớm vào cuộc làm rõ nghi vấn này.
Chiều 30.1, Thanh Niên đã liên hệ qua điện thoại với ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, để hỏi quan điểm của thành phố trước nghi vấn kiến trúc cầu Thượng Cát giống cầu Thạch Hãn 1 đang khiến dư luận xôn xao, nhưng không nhận được phản hồi.
Dự án cầu Thượng Cát được HĐND TP.Hà Nội phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng vào tháng 12.2023. Cầu có tổng chiều dài 5,22 km; trong đó, chiều dài cầu là hơn 4 m. Cầu chính vượt sông Hồng dài 600 m còn 2 đầu dẫn bắc, nam dài tổng cộng hơn 3,4 km. Tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 8.000 tỉ đồng.
Ngày 25.1, UBND TP.Hà Nội đã tổ chức lễ công bố và trao giải nhất cuộc thi thiết kế phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát cho Liên danh TEDI – CUBIC. Phương án “Cánh chim hòa bình” có 3 trụ cầu được thiết kế chiều cao 60 – 80 m, tượng trưng cho hình tượng những cánh chim đang tung cánh trên bầu trời, thể hiện cho tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội của thành phố phát triển đi lên.
Trước đó, vào năm 2022, tỉnh Quảng Trị đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc cầu Thạch Hãn 1. Bản thiết kế thắng giải nhất của cầu Thạch Hãn 1 đã thuộc về TEDI. Cầu Thạch Hãn 1 đang được xây dựng với tổng mức đầu tư gần 500 tỉ đồng.