Bến TreNghệ nhân Võ Văn Bá, 81 tuổi chế tác hàng trăm nhạc cụ dân gian truyền thống từ thân dừa đến phế phẩm như vỏ, gáo, mo, được xác lập kỷ lục Việt Nam.
Trưa giữa tháng 5, căn nhà nhỏ giữa vườn cây của nghệ nhân Ba Bá ở xã Nhơn Thạnh, TP Bến Tre réo rắt tiếng đàn. Cầm trên tay chiếc đàn được làm từ gỗ dừa, cây quao nước, sừng trâu và da trăn, ông cho biết phải mất hơn một tháng để hoàn thành nhạc cụ “độc nhất vô nhị” này.
“Đây là cây đàn ‘năm trong một’ bao gồm sến, guitar, bầu, cò cùng một micro để hát”, ông Bá nói và cho biết chỉ giữ lại chừng 30 cây đàn để chơi cho đỡ buồn, số còn lại gần 200 nhạc cụ khác đã được tặng, bán hết.
Gia đình có truyền thống âm nhạc, cha là nhạc công của đoàn hát bội địa phương. Thuở nhỏ, ngoài giờ học ông Bá theo cha và các chú biểu diễn quanh vùng. Do gần nhà có nghệ nhân làm nhạc cụ truyền thống, nhiều lần sang chơi ông Bá thích thú nên về nhà tự mày mò làm thử nhạc cụ bằng tre, mít. Lớn lên, ông được học nghề điện tử và vô tuyến nhưng sau đó bỏ dở, tham gia kháng chiến suốt 20 năm. Trong quân đội, ông là nhạc công đàn cò, đàn tranh của Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh.
Năm 2011, được một người bạn gợi ý chế tác dàn nhạc dân tộc bằng gỗ dừa để quảng bá cho lễ hội, ông Bá nhận lời ngay vì được sống lại đam mê thuở nhở. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, ông gặp nhiều khó khăn do gỗ dừa cứng, giòn, đinh đóng vô dễ bị cong, nứt. Một số chi tiết khó như phím lõm guitar không thể đục mà phải giũa cho mòn từ từ. Sau nhiều lần thất bại, ông quyết định chọn các thân dừa 60-70 năm tuổi, không bị mối mọt ăn, vừa có màu đỏ mật ong bắt mắt thay vì màu trắng do còn non hoặc màu đen do quá già.
Mất gần một tháng, ông Bá làm ra cây đàn kìm đầu tiên, song khi chơi thử phát hiện âm thanh quá tệ, không rung và vang. Nghệ nhân sau đó nghĩ ra cách dùng loại gỗ quao nước sẵn có ở địa phương để làm mặt đàn, chỉ giữ lại khung gỗ dừa. Để tạo sự phong phú cho dàn nhạc, ông còn tận dụng các vật liệu khác như vỏ, gáo, mo dừa.
Những trái dừa khô đẹp, được ông cắt bỏ phần đầu, đục gáo, lấy hết xơ, chỉ giữ lại một lớp mỏng sát vỏ rồi sơn chống ẩm mốc. Gáo dừa cũng được làm mỏng đánh bóng để chế tác thùng đàn cò. Mo dừa được tạo hình thành những chiếc thuyền làm thân đàn bầu. Trên cần đàn, các quả dừa khô nhỏ được tạo dáng thành những chú cá nóc ngộ nghĩnh.
Sau một năm mày mò, bộ nhạc cụ dân tộc gồm 10 chủng loại đàn với 27 sản phẩm làm từ gỗ dừa được ông Bá cùng các nghệ nhân trình diễn lần đầu tại Lễ hội dừa Bến Tre năm 2012, khiến người xem thích thú. Bộ nhạc cụ này cũng được ông trình diễn tại Festival đờn ca tài tử Nam Bộ ở Bạc Liêu và Bình Dương. Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam sau đó đã xác lập đây là Bộ nhạc cụ dân tộc được chế tác bằng chất liệu dừa đầu tiên tại Việt Nam.
Tiếng lành đồn xa, xưởng gỗ nhỏ bên hiên nhà ông Bá sau đó luôn rộn ràng tiếng cưa, bào đục bởi nhiều đơn đặt hàng. Mỗi chiếc đàn giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Thời gian hoàn thành tùy theo loại, đơn giản như đàn gáo, cò mất khoảng 3-4 ngày, còn loại khó như đàn tranh hoặc guitar phím lõm mất từ một tuần đến hàng tháng.
“Gỗ dừa có thể làm được hầu như tất cả loại đàn như tranh, kìm, cò, gáo, bầu, guitar, mandolin, violin”, ông Bá nói và cho biết trong các sản phẩm do mình chế tác có một chiếc đàn cò đặc biệt cao 2,5 m, thùng đàn dài 1,1 m, đường kính 0,6 m. Do quá nặng nên cây đàn phải gắn thêm bánh xe để tiện di chuyển.
Theo nghệ nhân Võ Văn Bá, ngoài thỏa đam mê và có thêm một phần thu nhập khi tuổi già, công việc chế tác của ông như là một cách để tri ân cây dừa, đặc sản của vùng đất Bến Tre. Ở tuổi 81, ba người con lẫn các cháu đều không theo nghề, ông cho biết mình sẵn sàng truyền nghề miễn phí cho bất kỳ ai có đam mê.
Ông Nguyễn Văn Bàn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre, cho biết bộ nhạc cụ dừa của nghệ nhân Ba Bá được nhiều nhà nghiên cứu chuyên môn đánh giá cao về nghệ thuật, thẩm mỹ. Hơn 100 nhạc cụ từ cây dừa do nghệ nhân Ba Bá chế tác sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Bến Tre trong ngày 18/5.
Ngoài ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, theo ông Bàn bộ sưu tập đàn của ông Bá trưng bày ở bảo tàng cũng là một trong những điểm nhấn du lịch của Bến Tre, được nhiều đoàn khách quốc tế thích thú. Một số ca sĩ nước ngoài từng nhờ nghệ nhân đệm hát bằng đàn gỗ dừa.
Hoàng Nam