Trong số hơn 2.900 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) được Hà Nội chứng nhận, có tới hơn 770 sản phẩm đến từ các làng nghề.
Đây là lợi thế rất lớn của Thủ đô trong việc khai thác hiệu quả cho phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn. Điều này khẳng định làng nghề vẫn là một trong những khu vực còn nhiều dư địa phát triển sản phẩm OCOP, từ đó nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người dân.
Hơn 770 sản phẩm OCOP đến từ các làng nghề
Xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) là một trong những làng nghề điển hình của thành phố Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang được bảo tồn và phát triển rất thành công. Đây cũng là làng nghề gốm sứ có đóng góp nhiều sản phẩm OCOP của thành phố.
Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết, hiện cả xã có khoảng 50 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng; trong đó có sản phẩm được xếp hạng 5 sao – thứ hạng cao nhất trong thang đánh giá OCOP hiện nay. Nhờ tham gia vào Chương trình OCOP, những sản phẩm độc đáo và đặc sắc nhất của làng nghề đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao.
Trong số rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiêu biểu ở làng nghề Bát Tràng, Công ty cổ phần Gốm sứ Quang Vinh là minh chứng thành công trong phát triển nghề truyền thống.
Theo Giám đốc Công ty cổ phần Gốm sứ Quang Vinh Hà Thị Vinh, công ty đã có 4 sản phẩm: “Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ”, “Bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen”, “Bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng” và “Bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen” tham gia OCOP và được đánh giá 5 sao. Hiện sản phẩm gốm sứ của doanh nghiệp đã được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới.
“Đầu tháng 12 vừa qua, chúng tôi tham gia Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế Artigiano lần thứ 28, diễn ra tại Trung tâm triển lãm ở thành phố Milan, Italia”, bà Hà Thị Vinh chia sẻ.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 334 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã. Mỗi làng nghề ở Hà Nội đều có thế mạnh riêng, tạo ra những sản phẩm vừa thân thiện với môi trường, vừa đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như đem lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao cho người làm nghề. Đến nay, Hà Nội đã có 771/2.924 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đến từ các làng nghề, làng có nghề. Tổng giá trị sản xuất của 334 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận ở Hà Nội đạt hơn 24.000 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân cho người lao động hiện đạt 7 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 1,5-2 lần so với thu nhập lao động thuần nông.
Tăng cường hỗ trợ các làng nghề
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, sản phẩm làng nghề Hà Nội, trong đó có những sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang lại doanh thu khá lớn cho các làng nghề. Để hỗ trợ các làng nghề đưa sản phẩm ra thế giới, thành phố Hà Nội đã tổ chức gian hàng Hà Nội trong không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm Việt Nam tại Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế Artigiano lần thứ 28, diễn ra tại Trung tâm triển lãm ở thành phố Milan, Italia. Các sản phẩm gốm sứ, thêu ren, lụa, mây tre đan, trang trí nội ngoại thất, chạm khắc, túi xách… đến từ các làng nghề Hà Nội đã có cơ hội được quảng bá, giới thiệu đến các du khách quốc tế.
Bên cạnh giá trị xuất khẩu, những năm gần đây, các làng nghề truyền thống của thành phố còn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời, sự sáng tạo của những người thợ qua từng sản phẩm đặc trưng… Qua thống kê cho thấy, mỗi năm các làng nghề Hà Nội đón khoảng 2 triệu lượt du khách, đóng góp khoảng 15% tổng thu nhập từ du lịch của thành phố.
Để phát triển làng nghề kết hợp với du lịch, thành phố đã giao cho Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan triển khai kế hoạch phát triển trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đến nay, thành phố đã xây dựng được hàng chục trung tâm ở các làng nghề: Mây, tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ); làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên); làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm)…
Ngoài cơ chế, chính sách chung, thành phố Hà Nội còn ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề. Theo đó, để tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, hiện tại, UBND thành phố đang giao Sở NN&PTNT Hà Nội khẩn trương xây dựng “Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Thành phố cũng đã tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực cho cá nhân và tập thể trong các làng nghề về năng lực quản lý, tổ chức sản xuất hợp lý hơn, có hiệu quả hơn, từ đó giúp các làng nghề tham gia sâu vào Chương trình OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm…
nguồn: https://hanoimoi.vn/ocop-nang-cao-gia-tri-cho-lang-nghe-687263.html