Đề thi tốt nghiệp THPT 8 trong 9 môn được ra dưới dạng trắc nghiệm, thí sinh cần lưu ý về cách tô số báo danh đến phương án, tránh mất điểm.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra vào ngày 28-29/6 với hơn một triệu thí sinh. Tất cả phải làm ba bài độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cùng hai bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên). Ngoài Ngữ văn tự luận, các môn còn lại được ra đề dưới dạng trắc nghiệm.
Theo quy chế thi, với các môn thi trắc nghiệm, thí sinh phải làm bài trên phiếu trả lời được in sẵn, chỉ được tô bằng bút chì đen vào các ô số báo danh, mã đề thi và ô trả lời. Trường hợp tô nhầm hoặc muốn đổi câu trả lời, các em phải tẩy sạch chì ở ô cũ rồi tô ô mà mình lựa chọn.
Thí sinh cũng phải điền chính xác và đủ thông tin vào các mục trống ở phía trên phiếu trả lời trắc nghiệm, số báo danh phải ghi và tô đủ phần số, kể cả các số 0 ở phía trước, điền chính xác mã đề thi vào hai phiếu thu bài.
Khi nhận đề, thí sinh cần kiểm tra để đảm bảo các môn thi thành phần trong bài Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội có cùng một mã đề thi. Nếu không cùng mã đề, thí sinh phải báo ngay với cán bộ coi thi, chậm nhất 5 phút tính từ thời điểm phát đề; phải để đề thi dưới tờ phiếu trả lời trắc nghiệm, không được xem nội dung đề khi cán bộ coi thi chưa cho phép.
Khi đã được phép xem đề thi, thí sinh kiểm tra để đảm bảo đủ số lượng câu hỏi, số trang như đã ghi trong đề và tất cả trang đều ghi cùng một mã đề.
Với thi trắc nghiệm, thí sinh không được nộp bài thi trước khi hết giờ làm bài. Khi hết giờ, các em phải nộp phiếu trả lời cho cán bộ coi thi và ký tên vào hai phiếu thu bài. Thí sinh chỉ được rời khỏi phòng sau khi cán bộ coi thi đã kiểm đủ số phiếu trả lời trắc nghiệm của cả phòng và cho phép rời đi.
Ngoài những quy định trên, các giáo viên cũng có những lưu ý riêng để học sinh tránh mất điểm đáng tiếc khi làm bài thi trắc nghiệm.
Cô Dương Khánh Huyền, giáo viên Toán trường THPT Edison (Ecopark, Hưng Yên), khuyên thí sinh làm bài trắc nghiệm theo nguyên tắc “dễ trước, khó sau”. Theo cô Huyền, chỉ một vài mã đề là các câu được sắp xếp lần lượt từ dễ đến khó nên học sinh cần tránh kiểu suy nghĩ câu 1 dễ nhất và câu 50 khó nhất.
“Thí sinh cần đọc kỹ từng câu một, dễ thì làm luôn, khó thì bỏ qua để quay lại sau”, cô Huyền chia sẻ. Giáo viên này cũng khuyên học sinh để ý đồng hồ để canh thời gian nhằm phân bố hợp lý, không nên quá sa đà vào câu khó mà làm mất thời gian các câu dễ. Câu khó hay dễ cũng chỉ 0,2 điểm.
Với môn Toán, học sinh không nên dành quá 6 phút vào một câu dù là câu khó. Các em cũng nên nháp cẩn thận và chia vùng nháp rõ ràng cho từng câu để khi làm xong, thí sinh chỉ cần nhìn lại cách làm trong nháp là có thể kiểm tra phần làm bài của mình.
Do 100% bài làm của học sinh do máy chấm nên việc tô đáp án cẩn thận là rất quan trọng. Cô Huyền nhắc nhở thí sinh cần tô đậm, không bị ra ngoài; tô bằng bút chì, ghi bằng bút bi; tô hết các câu; nếu muốn xóa câu sai cần xóa sạch, không được làm nhàu nát tờ đáp án vì mỗi học sinh chỉ được phát một tờ.