Đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng thay vì để cán bộ phải “xé rào” thực thi nhiệm vụ, cần tìm rõ vướng mắc, chồng chéo và giải quyết để cán bộ yên tâm làm việc.
“Chúng ta cần xây dựng pháp luật để cán bộ không phải đem sinh mệnh chính trị của mình ra thực thi chức trách, nhiệm vụ”, đại biểu Trần Hữu Hậu (nguyên Bí thư Thành ủy TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) nói tại phiên thảo luận kinh tế – xã hội ở Quốc hội, chiều 1/11.
Theo ông Hậu, công tác xây dựng pháp luật phải hướng đến cán bộ không phải “dám nghĩ, dám làm” theo nghĩa “xé rào” để khắc phục những bất cập của pháp luật. Cán bộ không phải tìm cách để công việc đỡ bị chú ý, trình bày để cơ quan chức năng thông cảm, bỏ qua hoặc “giơ cao, đánh khẽ”.
Ông Hậu cho rằng giải pháp căn cơ là quyết liệt rà soát hàng trăm văn bản để tìm ra những mâu thuẫn, chồng chéo, từ đó sửa đổi bổ sung, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ chủ động thực thi công vụ; giảm bớt căn bệnh không dám làm những việc cần phải làm do vi phạm các quy định hiện hành.
Ông Hậu cho rằng chất lượng xây dựng pháp luật đôi lúc chưa tốt, những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn mới sẽ phát sinh. Vì vậy, Quốc hội cần tìm thêm phương thức xây dựng pháp luật phù hợp, trong đó có một số cách làm từng được thực hiện như thông qua luật trong một kỳ họp hay một luật sửa nhiều luật.
Đại biểu tỉnh Tây Ninh cũng đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng cho phép trình, thông qua Quốc hội một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật với một hoặc một vài nội dung cụ thể, theo quy trình, thủ tục ngắn gọn một kỳ họp (quy trình làm một luật thông thường là qua hai kỳ họp).
Quy định như vậy sẽ đáp ứng yêu cầu xây dựng luật từ thực tiễn, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của thực tiễn để phát huy cao nhất các tiềm lực phát triển đất nước. Luật gây vướng mắc, góp phần tạo sức ì cho hệ thống công quyền mà không sửa kịp thời “là có lỗi với dân, với nước”.
“Chúng ta đã nói nhiều về luật khung, luật ống, đến việc phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn. Nếu có những luật ngắn gọn, cụ thể, kịp thời như trên, luật sẽ đi thẳng vào cuộc sống, phát huy tác dụng ngay”, đại biểu Hậu nêu quan điểm.
Tại phiên thảo luận buổi sáng, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ khắc phục những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập, thiếu minh bạch đang gây rủi ro cho người thực hiện; gỡ bỏ được tâm lý sợ oan, sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của cán bộ, công chức và doanh nghiệp.
“Chúng ta cần nghiên cứu và đặt ra các giới hạn về tần suất, phạm vi các cuộc thanh tra, kiểm tra để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có thể yên tâm tập trung nỗ lực giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế”, ông Lộc nói.
Bên cạnh đó, ông kiến nghị cần bổ sung ngay chế tài kinh tế phù hợp để xử lý các vi phạm và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; xây dựng biện pháp thiết thực bảo vệ cán bộ và cả doanh nhân dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, luật hóa các quy định về vấn đề này.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Tạ Văn Hạ cũng nêu thực trạng thực thi công vụ của cán bộ gặp vướng mắc rất nhiều, nhất là đầu tư công. “Chính sách pháp luật đưa ra nhưng cách hiểu chưa thực sự thống nhất, cán bộ hiểu luật theo một cách nhưng đoàn kiểm tra, giám sát thì hiểu cách khác”, ông Hạ nói.