Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đặt vấn đề cùng một hoàn cảnh, có người vươn lên thoát nghèo, nhưng có người thì không, thậm chí có hộ thoát nghèo lại buồn.
“Tại sao được trở lại là hộ nghèo thì họ lại vui”, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa đặt câu hỏi tại phiên thảo luận sáng 30/10 về kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Theo ông Nghĩa, việc giảm nghèo bền vững đến nay vẫn rất thách thức. Ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh của người dân chưa cao. Việc này dẫn đến thực tế gia đình khá giả ở nông thôn làm việc quần quật, tiết kiệm từng giờ để kiếm thêm thu nhập, nhưng có những hộ nghèo rất thong thả, chờ đợi sự hỗ trợ.
Ông Nghĩa dẫn lại câu chuyện được Phó thủ tướng nhắc đến trước đó, rằng học sinh, sinh viên về quê xin xác nhận hộ nghèo rất khó khăn. Các địa phương thực hiện chính sách nghèo luân phiên theo hộ. “Tức là hoa thơm mỗi người hưởng một chút”, ông nói.
Đại biểu Nghĩa đề nghị Chính phủ có chính sách truyền thông hiệu quả, thay đổi nhận thức cho chủ thể hưởng thụ. Hộ nghèo cần biết tự lực cánh sinh và tự ứng phó mọi hoàn cảnh có thể xảy ra. Nếu không có ý chí quyết tâm, sự hỗ trợ cộng đồng, chương trình mục tiêu mãi mãi chỉ là sự hỗ trợ. Ông cũng kiến nghị khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia cần cân nhắc phân bổ vốn cho địa phương để họ tùy điều kiện xử lý.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ tranh luận, cho rằng việc người dân nhận thức chưa tốt, chưa muốn thoát nghèo, không hẳn do họ không có ý chí. “Nguyên nhân căn cơ người dân chưa muốn thoát nghèo là chương trình của chúng ta từ cách làm, đến chất lượng chưa tốt, chưa có sự bền vững hoặc bền vững chưa cao để người dân có thể tin tưởng”, ông nói.
Theo ông Hạ, các chương trình mục tiêu quốc gia có thực trạng hết chương trình, hết dự án, người dân nghèo lại hoàn nghèo. Vì vậy, quan trọng nhất là cách làm và chất lượng của chương trình phải bền vững để người dân “tự nhận thức, không ai muốn quay lại nghèo”.
Ông Hạ cũng đề nghị phân cấp, phân quyền rõ hơn cho địa phương, đặc biệt là cấp tỉnh khi sử dụng vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Ví dụ, chương trình đặt ra mục tiêu giải quyết nhà ở, sinh kế, nước sinh hoạt, nhưng nếu địa phương đã giải quyết được các vấn đề đó thì có thể điều chỉnh để sử dụng vốn cho các vấn đề khác cấp bách hơn, không phải xin ý kiến Trung ương. Tức là Trung ương chỉ quản lý các chỉ tiêu, mục tiêu, còn cách làm thì để tỉnh quyết định, đảm bảo tính chủ động.
Trình bày báo cáo Đoàn giám sát trước đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, cho hay Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có tổng vốn tối thiểu là 75.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc ban hành văn bản vẫn chậm so với quy định; một số văn bản đã ban hành có vướng mắc, địa phương kiến nghị cần phải sửa đổi, bổ sung; phân bổ ngân sách trung ương chậm; một số địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng thấp.
Tại các huyện nghèo, chương trình mới chỉ quan tâm đánh giá việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, chưa đánh giá thực chất mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm. Một số địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, việc phấn đấu để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới chủ yếu chạy theo thành tích.
Các xã miền núi có hiện tượng không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025 vì nếu đạt chuẩn, họ không còn là xã đặc biệt khó khăn, không được hưởng các chế độ an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức…