Theo đại biểu Nguyễn Văn Huy, nếu dạy thêm xuất phát từ nguyện vọng của người học thì không đáng bị lên án, cần quy định là ngành kinh doanh có điều kiện để tránh biến tướng.
“Nếu bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính và nhiều người ở các ngành nghề khác có thể bôn ba ngoài giờ làm việc để tăng thu nhập thì nhà giáo dạy thêm là quyền lợi chính đáng”, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy nói khi thảo luận tại Quốc hội sáng 20/11.
Ông Huy cho rằng dạy thêm đã trở thành giải pháp để cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống của giáo viên. Dạy thêm xuất phát từ nguyện vọng của người học, mong muốn được ôn luyện kiến thức chưa vững, nâng cao năng lực cho các kỳ thi.
Mặt trái của hoạt động này là có giáo viên dạy bài học trên lớp lửng lơ, nửa chừng và chỉ tiếp nối ở lớp học thêm. Nội dung kiểm tra, đề thi được giáo viên đưa ra khi dạy thêm khiến điểm số chênh lệch giữa học sinh đi học và không học thêm.
Vì vậy, Phó đoàn Thái Bình đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu trình để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Những lớp học thêm “găm bài”, gợi mở đề kiểm tra để thu hút người học phải được xử lý.
“Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo siết chặt hơn chất lượng giờ học chính khóa cũng như thay đổi tư duy thi cử và cởi trói bớt áp lực học hành”, ông Huy nói.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết học thêm, học tập ngoài nhà trường là nhu cầu thực tế. Bộ đã có văn bản quy định đầy đủ việc kiểm soát dạy thêm trong khuôn khổ nhà trường gồm đạo đức nhà giáo, quy tắc ứng xử, văn hóa học đường, thực thi công vụ.
Tuy nhiên, môi trường ngoài nhà trường còn thiếu cơ sở pháp lý để điều tiết, giám sát. Trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi văn bản cho Thủ tướng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung dạy thêm, học thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học.
“Nhưng không rõ lý do tại sao từ năm 2020, 2021 việc này không được chấp thuận”, ông Sơn nói, đề nghị chính quyền địa phương phối hợp, kiểm soát việc dạy thêm học thêm bên ngoài 53.000 trường học trên cả nước.
Ông cũng mong phụ huynh phối hợp với ngành giáo dục vì nguyện vọng học thêm một phần đến từ phụ huynh. Có cha mẹ “thấy con học một ca chưa yên tâm, nghe ở đâu có thầy tốt lại chở con đến học một tối 3-4 ca; thấy con mình chưa xuất sắc cũng chưa hài lòng”. Đây cũng là nguyên nhân gây căng thẳng trong việc học của trẻ.
Về phản ánh giáo viên bớt kiến thức trên lớp để dạy thêm như đại biểu Huy nêu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị cung cấp thông tin cụ thể để Bộ phối hợp UBND tỉnh Thái Bình xử lý.
Điều 4 Thông tư 17/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trường hợp không được dạy thêm gồm: Học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Giáo viên không được cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học thêm. Học sinh có nhu cầu, tự nguyện học thêm cần được gia đình đồng ý.