Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Tuấn Khoa - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang cho biết, Bắc Giang là tỉnh miền núi, thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên; liền kề với "Tam giác kinh tế phát triển" Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Đây là điều kiện thuận lợi cho Bắc Giang giao lưu phát triển kinh tế xã hội với các tỉnh, thành phố; Trong lịch sử, vùng đất Bắc Giang thuộc vùng đất Kinh Bắc xưa từng được coi là "Phên dậu" của kinh thành Thăng Long nay là thủ đô Hà Nội, nơi đây còn lưu giữ những giá trị truyền thống lịch sử văn hóa đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên độc đáo, đó là nguồn tài nguyên quan trọng, tạo tiền đề để phát triển du lịch.
Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang Đỗ Tuấn Khoa phát biểu.
Về di sản văn hóa, Bắc Giang hiện có 2.237 di tích, trong đó có trên 759 di tích được xếp hạng các cấp gồm 6 di tích và cụm di tích Quốc gia đặc biệt (với 38 điểm); 91 di tích Quốc gia; 630 di tích cấp tỉnh; một số di tích đang trở thành những điểm đến tinh hoa, có giá trị.
Đặc biệt, Bắc Giang còn có 5 di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh là: Dân ca Quan họ, Ca Trù, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam; Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Di sản Tư liệu ký ức thế giới, Khu vực Châu Á Thái Bình Dương); 17 di sản văn hóa phi vật quốc gia tiêu biểu như các lễ hội: chùa Vĩnh Nghiêm, Yên Thế, Thổ Hà, Suối Mỡ, Y Sơn, Đình Vồng, Bổ Đà, Tiên Lục, Vật cầu nước Làng Vân, đền Tiên La thành phố Bắc Giang, Lễ hội Bơi Chải Tiếu Mai huyện Hiệp Hòa...
Ngoài các giá trị của hệ thống di sản văn hóa, Bắc Giang được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều cảnh quan đẹp có giá trị về tài nguyên sinh du lịch sinh thái và có vùng cây ăn quả rộng lớn.
Cùng với lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch, hiện nay Bắc Giang đang xây dựng phát triển 4 loại hình sản phẩm du lịch chủ lực, gồm: du lịch Văn hóa –tâm linh; du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf); du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận.
Đồng thời trong thời gian qua công tác phát triển du lịch của tỉnh Bắc Giang luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang Đỗ Tuấn Khoa cho biết, với tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đa dạng, du lịch Bắc Giang đang trở thành cầu nối giữa các vùng du lịch trong cả nước, thúc đẩy ngành công nghiệp không khói cả nước cùng phát triển theo hướng xanh, bền vững.
Du lịch bền vững, du lịch xanh đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu, không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mang lại những giá trị kinh tế - xã hội lâu dài. Năm 2025, tỉnh Bắc Giang tiếp tục xác định công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu điểm đến du lịch là một nội dung quan trọng để đẩy mạnh hiệu quả từ khai thác các tour du lịch liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước góp phần định vị thương hiệu du lịch và thu hút khách trong nước và quốc tế.
Du lịch Xanh theo hướng phát triển bền vững là định hướng được tỉnh ưu tiên phát triển, chuyển đổi về tư duy, nhận thực và triển khai thực hiện.
"Hội nghị Xúc tiến, Quảng bá, Giới thiệu điểm đến Du lịch Bắc Giang với chủ đề "Bắc Giang- Điểm đến du lịch Xanh Việt Nam" được tổ chức nhằm xây dựng hình ảnh du lịch tỉnh Bắc Giang thông qua liên kết thành một hành trình du lịch xanh; đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết quảng bá, xây dựng, định vị thị trường, giới thiệu chương trình kích cầu du lịch năm 2025, giới thiệu các điểm đến du lịch trong tỉnh với du khách các tỉnh thành trong cả nước; đồng thời là dịp quan trọng để chúng ta cùng nhau thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, tìm ra giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, mở rộng hợp tác, thu hút đầu tư và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch của tỉnh", ông Đỗ Tuấn Khoa - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang cho hay.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy phát biểu.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho rằng, Bắc Giang cần nghiên cứu, đánh giá thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế để xây dựng các sản phẩm phù hợp với thế mạnh địa phương, thu hút dòng khách du lịch cao cấp, có mức chi tiêu tốt và lưu trú dài ngày như: du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf).
Công tác xúc tiến quảng bá du lịch cũng cần được đẩy mạnh như phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí và người nổi tiếng tuyên truyền về các điểm đến, trải nghiệm, sản phẩm du lịch và sản vật đặc trưng gắn với yếu tố "xanh" và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Bắc Giang nên chú trọng kết nối với các vùng, miền trong cả nước để đa dạng hóa nguồn khách hàng, đặc biệt là các tỉnh, thành phố là trạm trung chuyển khách trong và ngoài nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn và TP. Hồ Chí Minh./.
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/dua-bac-giang-thanh-cau-noi-giua-cac-vung-du-lich-trong-ca-nuoc-2025041122303558.htm
Bình luận (0)