Các cư dân của họ Trần, chi phái Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), dù đi đâu, về đâu, cũng đều nhắc nhớ nhau về lệ cúng thế lính vào ngày 5 tháng Ba âm lịch. Vào ngày này, con cháu trong dòng họ, sinh sống ở xã Bình Châu (Bình Sơn), Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Tịnh Khê, An Phú (TP.Quảng Ngãi) tề tựu về nhà thờ họ, tọa lạc tại xóm Khê Tân, thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê để dự lễ.
Mô hình thuyền giấy và hình nhân giấy tại lễ cúng thế lính của họ Trần, chi phái Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). |
Cũng tương tự như Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa tổ chức vào tháng Hai, tháng Ba âm lịch hằng năm tại huyện Lý Sơn, để chuẩn bị cho lễ cúng thế lính, những bậc cao niên của dòng họ Trần, chi phái Tịnh Khê cũng tỉ mỉ làm mô hình thuyền giấy. Song, nếu như ở huyện Lý Sơn, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa dùng đến 5 thuyền giấy, thì lễ cúng thế lính do họ Trần, chi phái Tịnh Khê tổ chức chỉ gồm một chiếc thuyền giấy. Trên thuyền là các hình nhân bằng giấy và đầy đủ các vật phẩm tượng trưng cho nước uống, gạo, thực phẩm. Bên cạnh các hình nhân là linh vị bằng giấy ghi tên tuổi của cha ông trong họ tộc thuở trước.
Theo lời kể của các con cháu trong dòng họ Trần, chi phái Tịnh Khê, thuở xưa, những người con của dòng họ đã tuân lệnh vua, trở thành các binh phu làm nhiệm vụ trên biển, thường gặp nhiều rủi ro, bất trắc, ra đi mà không hẹn ngày trở về. Vì vậy, họ tộc tổ chức lễ cúng thế lính với thuyền giấy, hình nhân bằng giấy tại nhà thờ, rồi mang ra cửa biển để thả với mong muốn cầu bình an, mong đội thuyền làm bằng giấy sẽ chịu mọi rủi ro thay cho người sống.
Nhà thờ họ Trần, chi phái Tịnh Khê - nơi diễn ra lễ cúng thế lính vào tháng Ba âm lịch. |
“Trong nhà thờ họ, chúng tôi vẫn còn lưu giữ một rương gỗ đựng sổ sách, giấy tờ viết bằng chữ Hán Nôm do cha ông truyền lại. Trong đó, có tên tuổi của cha ông trong họ tộc năm xưa đã từng làm binh phu, đi Hoàng Sa, Trường Sa bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Để ghi ơn bậc tiền nhân và những cống hiến, hy sinh của cha ông, dòng họ chúng tôi luân phiên nhau gìn giữ lễ cúng thế lính. Lễ cúng diễn ra trước lễ cúng Thanh Minh một ngày. Ngày cúng thế lính cũng là ngày duy nhất trong năm, chúng tôi kính cẩn xin phép thần linh, tổ tiên để hé mở chiếc rương gỗ trước khi tổ chức cúng. Đó như là cách để chúng tôi bày tỏ lòng thành, mong những binh phu đi Hoàng Sa năm xưa, chứng giám cho hậu thế”, ông Trần Quang (74 tuổi), người được dòng họ Trần, chi phái Tịnh Khê tin tưởng, bầu làm chánh tế tại lễ cúng thế lính, chia sẻ.
Cùng với cư dân đảo Lý Sơn, dòng họ Trần, chi phái Tịnh Khê cũng đã gìn giữ, trao truyền lễ cúng thế lính qua nhiều đời. Đây cũng là họ tộc hiếm hoi nơi đất liền còn giữ lễ cúng thiêng liêng này.
“Theo tài liệu Hán Nôm tôi tìm thấy ở Lý Sơn, thì vào năm 1604 (thời Lê Kính Tông), cư dân Việt chính thức từ đất liền ra Cù Lao Ré - Lý Sơn khai phá, và sau đó lập ra 2 phường là An Hải và An Vĩnh, đều thuộc huyện Bình Sơn. Về mặt hành chính, thì 2 phường này vẫn phụ thuộc vào sự quản lý của 2 xã gốc trong đất liền là An Vĩnh, An Hải ở vùng cửa biển Sa Kỳ. Binh phu tham gia đội Hoàng Sa năm xưa được chiêu mộ từ xã An Vĩnh, An Hải nơi đất liền, lẫn từ 2 phường thuộc Cù Lao Ré. Những thế kỷ sau, tham gia đội Hoàng Sa còn có những binh phu ở nhiều địa phương khác trong tỉnh. Cũng chính vì vậy mà trong đất liền của Quảng Ngãi, vẫn có các họ tộc gìn giữ các bài văn tế bằng Hán Nôm cúng thế lính Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như còn thực hành tế lính Hoàng Sa - Trường Sa đến tận nửa đầu thế kỷ XX. Năm 2011, tôi tìm thấy một bài văn tế khao lề thế lính Hoàng Sa bằng Hán Nôm trong nhà thờ họ Diệp, ở xã Tịnh Long (nay thuộc TP.Quảng Ngãi). Năm 2018, tôi lại tìm thấy thêm tài liệu Hán Nôm nói về việc tế tự lính Hoàng Sa, Trường Sa trong nhà thờ họ Phạm, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi). Đáng tiếc là các dòng họ này đều không còn gìn giữ lễ thức cúng thế lính - một loại hình di sản văn hóa gắn liền với công lao to lớn của các bậc tiền nhân đã có nhiều đóng góp trong khai phá, xác lập chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc", Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết.
Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN
Nguồn: https://baoquangngai.vn/van-hoa/202504/le-cung-the-linh-o-lang-bien-khe-tan-3001da2/
Bình luận (0)