Cách Hà Nội 40km về phía Nam, làng Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên) nằm bên dòng sông Nhuệ, nổi tiếng với hơn 500 năm lịch sử và kiến trúc độc đáo.
Cổng làng tam quan mái vòm, với đôi kỳ lân và chó đá, mở ra không gian đầy cuốn hút. Từ thời thuộc địa Pháp, làng nổi danh nhờ nghề may "đệ nhất Hà thành", mang lại sự giàu có để xây dựng những biệt thự nguy nga.
Những ngôi nhà cổ nơi đây gây ấn tượng với mái cổ, cột lim, cửa bức bàn, sân rộng và họa tiết hòa quyện giữa truyền thống Việt và phong cách Pháp.
Cổng làng Cựu được xây theo lối "quyển thư", bề thế, có tầng, có mái và có cả lối lên xuống (Ảnh: Nguyễn Ngoan).
"Làng người giàu" vang bóng một thời
Vốn là làng thuần nông, khoảng năm 1920, một cuộc hỏa hoạn xảy ra khiến nửa làng gần như bị thiêu trụi. Những ngôi nhà ở làng chủ yếu làm bằng tre nứa nên lửa lan rất nhanh, 2/3 số nhà này đã hóa tro bụi.
Đói kém vì mất mùa, lại thêm vụ cháy lớn, cuộc sống của người dân càng trở nên túng quẫn. Không chịu cảnh ngồi không bó gối, nhiều người khi ấy khăn gói hành trang ra Hà Nội tìm kế sinh nhai.
Các cụ quyết định khởi đầu ở đây bằng nghề cắt may quần áo, âu phục. Từ đây, với bàn tay tài hoa, người làng Cựu trở thành những thợ may "đệ nhất" cho "ông Tây bà đầm", trong đó có những nhà may nổi danh như Đức Lợi, Phúc Mỹ, Phúc Hưng.
Chính nhờ sự cần cù, chịu khó, năm 1900-1940, khi có điều kiện, các cụ trở về xây dựng làng. Từ đây, những công trình nhà Việt cổ kết hợp với kiến trúc phương Tây được tạo ra, biến làng Cựu trở thành một "làng Tây sang trọng".
Hơn nửa căn nhà cổ bị đóng cửa, bỏ hoang (Ảnh: Nguyễn Ngoan).
Những ngôi nhà nguy nga, đẹp đẽ xây dựng ở làng Cựu đều nhờ vào số tiền kiếm được từ nghề cắt may.
Thấy có khả năng phát triển, người dân làng Cựu bắt đầu về kéo mọi người ở làng đi làm cùng. Cái tài may vá, thêu thùa của người dân làng Cựu được người Pháp và giới người giàu Hà Nội tín nhiệm cứ thế, năm này qua năm khác, nghề cắt may quần áo không chỉ giúp nhiều hộ dân thoát nghèo mà còn mang đến cho làng cái tên "làng người giàu".
Làng Cựu gần quốc lộ nhưng lối sống hiện đại không làm thay đổi cấu trúc: Cây đa, bến nước, sân đình là hình ảnh dễ dàng bắt gặp khi đến ngôi làng này.
Đặc biệt, làng gây ấn tượng mạnh mẽ bởi những ngôi nhà rêu phong, cổ kính. Sự kết hợp, giao lưu văn hóa của phong cách kiến trúc Việt - Pháp tạo nên dấu ấn riêng.
Hiện, làng Cựu còn nhiều ngôi nhà cổ có niên đại lên đến trăm năm.
Căn nhà cổ nhà ông Tứ được xây từ năm 1909 (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).
Nỗ lực gìn giữ vẻ đẹp làng Cựu
Ngày nay, hơn nửa trong số 49 ngôi nhà cổ tại làng Cựu bị bỏ hoang hoặc chỉ có một hai người ở. Người làng chủ yếu nhận gia công những bộ vest hoặc trang phục công sở đại trà.
Sống trong ngôi nhà của các cụ để lại từ năm 1905, ông Nguyễn Thiện Tứ đời thứ 4 ở căn nhà này. Ông Tứ cho hay ngôi làng này có lịch sử khoảng hơn 700 năm. Trong đó, những ngôi nhà cổ khi xưa xây dựng từ đầu thế kỉ XX, nay hầu như không giữ được nguyên bản.
Giờ đây, làng Cựu còn lưu dấu một vài biệt thự cổ nằm xen lẫn với những ngôi nhà hiện đại. Theo thời gian, các ngôi biệt thự phủ đầy rêu phong đang dần xuống cấp do không được chăm sóc, trùng tu. Chỉ còn rất ít các công trình bảo tồn được nguyên vẹn.
Ông Nguyễn Thiện Tứ sống một mình trong căn nhà cổ hơn 100 tuổi ở làng Cựu (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).
Trong làng, nhiều đoạn đường đã được phủ bê tông, tuy nhiên vẫn còn thấp thoáng con ngõ trải đá xanh bản lớn, nhuốm màu rêu phong.
"Vào năm 1996, đường chính của làng được đổ bê tông, 4 hàng đá phiến trải đường cũng biến mất, chỉ còn một số ngõ nhỏ là gìn giữ được con đường trải đá. Rồi những căn nhà cổ mang kiến trúc Việt cổ, kiến trúc Pháp không được chăm nom nên đã xuống cấp", ông Tứ cho hay.
Ở làng Cựu, có những căn biệt thự cổ khóa trái cửa bên ngoài là nhà thờ, nhà dân nhưng chủ nhà không sống ở địa phương, họ đi làm ăn xa nhà và chỉ về vào những ngày lễ, Tết. Vì vậy, những căn nhà bị xuống cấp theo thời gian do không có người chăm nom.
Đường vào làng được đổ bê tông, thay thế những phiến đá trải đường cũ (Ảnh: Nguyễn Ngoan).
Cách ngôi nhà cổ của ông Tứ vài con ngõ, anh Thông, chủ của căn biệt thự Pháp cổ có cửa sổ, cửa chính mục nát, vẫn không tu sửa để giữ lại nét cổ kính cho căn nhà kiến trúc Pháp của ông cha để lại.
Anh Thông cho hay, những hộ dân nơi đây không được hỗ trợ kinh phí để duy tu bảo dưỡng nên nhiều người đã tự xây, sửa sang lại làm mất dần đi nét cổ kính.
Cách 3-4 năm về trước, nơi đây có đoàn làm phim, du khách về tham quan. Tuy nhiên, lâu dần làng cũng bị lãng quên bởi sự cổ kính đang dần mất đi, du khách cũng không thấy đến.
Căn biệt thự Pháp cổ cũng được nhà anh Thông biến thành nơi gia công giày, người đàn ông cho biết trong một vài năm tới có lẽ sẽ phá bỏ căn nhà để sửa lại lấy chỗ sinh hoạt đảm bảo an toàn.
Căn biệt thự Pháp cổ nhà anh Thông đã xuống cấp nghiêm trọng, được dùng làm nơi gia công giày (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).
Đại diện UBND xã Vân Từ (Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, xã cũng kiến nghị rất nhiều lên cấp trên trước tình trạng xuống cấp các ngôi nhà kiến trúc cổ, vì đây là di sản văn hóa quý.
"Sở Văn hóa Thể thao thành phố đã về tập huấn, khảo sát. Huyện cũng rất muốn duy tu bảo dưỡng bảo tồn để làm nơi du lịch cho khách tham quan, làng cổ. Tuy nhiên, kinh phí để bảo tồn các công trình kiến trúc chưa có gì, người dân vẫn chưa được hỗ trợ", vị chủ tịch xã cho hay.
Hiện tại chính quyền địa phương xã Vân Từ kêu gọi người dân giữ gìn, bảo tồn, không phá đi để làm mới. Nhưng nếu có sự hỗ trợ của nhà nước thì họ sẽ yên tâm hơn để thực hiện gìn giữ các công trình cổ.
Dantri.com.vn
コメント (0)