Cơ quan khí tượng Nhật Bản dự báo mùa hoa anh đào năm nay sẽ bắt đầu nở rộ khoảng giữa tháng 3 nhưng tại Công viên Nishihirabatake, Masuda, tỉnh Kanagawa, những cánh hoa anh đào đầu mùa đã bắt đầu khoe sắc từ đầu tháng 2, trùng với dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn của Việt Nam.
Hoa anh đào ở Công viên Nishihirahata thuộc loài anh đào nở sớm Kawazu. (Nguồn: TTXVN) |
Địa điểm này đang thu hút lượng lớn du khách đến chiêm ngưỡng và tận hưởng tiết trời mùa Xuân đang dần thay thế không khí lạnh giá của mùa Đông trên đất nước mặt trời mọc.
Hoa anh đào ở Công viên Nishihirahata thuộc loài anh đào nở sớm Kawazu. Hoa anh đào Kawazu được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1955 tại thị trấn Kawazu, tỉnh Shizuoka, nên sau đó giống hoa này cũng được đặt tên gắn liền với thị trán Kawazu. Với đặc tính nở sớm hơn mùa hoa anh đào tại Nhật Bản, chính quyền thị trấn Matsuda, tỉnh Kanagawa thường tổ chức Lễ hội hoa anh đào Matsuda từ tuần đầu tiên của tháng 2 đến giữa tháng 3 tại Công viên Nishihirabatake.
Trong tiết trời giao mùa từ Đông sang Xuân, du khách trong và ngoài nước đến với Công viên Nishihirabatake có thể chiêm ngưỡng hàng trăm cây đào đua nhau khoe sắc, xen lẫn sắc vàng của hoa cải và nền trời xanh biếc.
Đặc biệt, không chỉ ngắm hoa anh đào nở sớm, du khách còn có thể ngắm núi Phú Sỹ từ xa và vịnh Sagami. Bộ Đất đai, hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản đã công nhận Công viên Nishihirabatake thuộc top 100 địa điểm ngắm núi Phú Sỹ đẹp nhất của Vùng Kanto.
Nhật Bản được mệnh danh là xứ sở hoa anh đào với hơn 600 giống loài hoa anh đào khác nhau tùy theo hình dáng, màu sắc, tính chất. Thời điểm bắt đầu mùa hoa anh đào chính vụ được Cơ quan khí tượng Nhật Bản dự báo từ rất sớm căn cứ vào thời tiết của từng năm và thường chỉ chênh lệch khoảng 1-3 ngày.
Trong quan niệm của người Nhật Bản, hoa anh đào cũng là hình ảnh tiêu biểu cho mùa Xuân và thời điểm hoa nở rộ gắn liền với các hoạt động ngắm hoa anh đào, lễ hội hoa anh đào ở hầu hết các địa phương trên khắp đất nước.
Phong tục ngắm hoa anh đầu xuân ở Nhật Bản được gọi là Hanami. Người Nhật thường quây quần ăn uống, trò chuyện với người thân, bạn bè dưới tán cây anh đào trong công viên hoặc bên bờ sông. Người ta quan niệm cánh hoa rơi vào chén rượu là dấu hiệu của sự may mắn.
Hanami bắt nguồn từ phong tục chào đón Thần Ruộng đồng của nông dân Nhật Bản. Sau mùa đông dài về núi, khi hoa anh đào nở cũng là lúc Thần trở lại cánh đồng. Người dân tổ chức Hanami để nghênh đón Thần với ước nguyện về mùa màng bội thu.
Đối với người dân Nhật Bản, hoa anh đào mang rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Điển hình nhất là loại hoa này tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, sức mạnh quật cường, sự đoàn kết vươn lên dù cho có khó khăn, gian khổ.