Khu đền tháp Chăm Mỹ Sơn là di sản văn hóa thế giới thuộc địa bàn xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam (thường gọi là Thánh địa Mỹ Sơn). Thánh địa Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng kín có địa thế núi non hùng vĩ. Nơi đây, với hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa, chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII. Thời gian và chiến tranh đã tàn phá di tích nặng nề, thế nhưng những gì còn lại ở Mỹ Sơn vẫn đóng vai trò rất quan trọng về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật mang giá trị toàn cầu.
Tháng 12-1999, khu di tích Mỹ Sơn được ghi vào danh sách di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Kể từ đó đến nay đã có hàng chục triệu lượt khách đến đây tham quan, nghiên cứu. Kiến trúc sư tài ba Kazik (người Ba Lan) nhiều năm gắn bó với Mỹ Sơn cho rằng: “Người Chămpa cổ đã gửi tâm linh vào đất đá và đã biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ, thâm nghiêm, hùng vĩ. Đây là một bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật vô giá của nhân loại mà sẽ còn lâu chúng ta mới hiểu hết”. Những di tích của khu đền tháp Mỹ Sơn là những công trình quan trọng nhất và cũng rất bí ẩn của nền văn hóa Chămpa cổ. Hầu hết công trình được kết cấu bằng gạch nung với trụ đá và trang trí những phù điêu sa thạch thể hiện các giai thoại của nền văn minh sông Hằng – Ấn Độ.
Khách nước ngoài tham quan một khu vực của Thánh địa Mỹ Sơn
Với lịch sử hình thành trải dài gần ngàn năm, Mỹ Sơn là nơi ghi dấu sự phát triển rực rỡ, đặc sắc của nền nghệ thuật Chămpa. Bên cạnh tháp chính (Kalan) là những tháp thờ nhiều vị thần khác hoặc thờ những vị vua đã mất. Nhiều phong cách kiến trúc Chămpa được khẳng định và phát triển trong quần thể di tích này. Là trung tâm tôn giáo vương quốc cổ Chămpa, Mỹ Sơn có một vị trí tâm linh quan trọng trong cộng đồng dân cư, là chỗ dựa tinh thần của người Chăm xưa, đồng thời đây cũng là công trình nghệ thuật độc đáo có giá trị của nhân loại. Nơi đây từng viên gạch, góc tháp đều mang giá trị lịch sử, văn hóa được làm nên bằng sức sáng tạo của con người.
Chúng tôi đến Thánh địa Mỹ Sơn vào một ngày giữa tháng 5-2017, khi mà đợt khai quật đầu của năm 2017 vừa tạm dừng. Lãnh đạo Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, trong quá trình khai quật, trùng tu nhóm tháp K Mỹ Sơn các nhà khảo cổ đã phát hiện 2 tượng có thân người, đầu hình sư tử. Bức tượng được phát hiện gồm một tượng bị gãy hết tay chân (chỉ còn thân mình) và một tượng tương đối nguyên vẹn, cao khoảng 1,2m; được điêu khắc thô sơ và mờ nét bằng đá sa thạch. Bước đầu, theo phỏng đoán của các nhà chuyên môn, 2 bức tượng này có thể là tượng sư tử hoặc tượng khỉ Hanuman dùng để trang trí trước cổng tháp K, vốn là một trong những tháp cổ của vương triều Chămpa. Đặc biệt, nhóm khai quật còn phát hiện một con đường cổ rộng 8m được dẫn bởi hai bờ tường song song (mỗi bờ tường rộng 0,6m), bị chôn vùi ở độ sâu gần 1m so với mặt đất. Bước đầu, các hiện vật và con đường được nhóm chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam xác định có niên đại trùng với thời kỳ xây dựng tháp K (thế kỷ XI-XII).
Thánh địa Mỹ Sơn là nơi hội tụ những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tiêu biểu, độc đáo, là chứng tích sống động, xác thực về lịch sử của một trong những nền văn hóa tại Việt Nam. Quần thể di tích Mỹ Sơn có giá trị nổi bật toàn cầu, là niềm tự hào chung của nhân loại. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, việc trùng tu di tích Mỹ Sơn được tiến hành và hoạt động trùng tu di sản được áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế, với đội ngũ các nhà khoa học cả trong và ngoài nước cùng làm việc. Ngày 30-12-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1915/QĐ-TTg kèm theo các biện pháp hành chính và ngân sách cho quy hoạch tổng thể khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2008-2020. Đây là văn bản pháp luật quan trọng nhằm đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật khu đền tháp Mỹ Sơn không chỉ cho Việt Nam mà cho cả nhân loại.
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/96801/gia-tri-toan-cau-cua-di-tich-my-son