ANTD.VN – Chốt phiên giao dịch ngày 6-9, giá gạo xuất khẩu của các nguồn cung lớn gồm Việt Nam và Thái Lan đều điều chỉnh giảm nhẹ.
Giá gạo xuất khẩu và trong nước đều ngưng đà tăng |
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết thúc phiên giao dịch ngày 6-9, giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện giảm còn 633 USD/tấn (giảm 10 USD/tấn so với phiên giao dịch trước); gạo 25% tấm cũng điều chỉnh giảm tương ứng còn 618 USD/tấn.
Tương tự, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm nhẹ 5 USD/tấn, xuống còn 628 USD/tấn. Riêng gạo 25% tấm của nước này điều chỉnh tăng 7 USD/tấn, lên mức 575 USD/tấn.
Thị trường gạo xuất khẩu có sự “giằng co” giữa người bán và người mua để đạt mức giá tốt hơn.
Ở trong nước, giá lúa gạo chững lại trong 2-3 phiên gần đây. Tại kho An Giang, lúa OM 5451 có mức giá 7.800 – 8.100 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ổn định ở mức 8.000 – 8.200 đồng/kg; lúa OM 18 được dao động quanh mốc 8.000 – 8.200 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá 8.000 – 8.400 đồng/kg; lúa IR 50404 ổn định ở mức 7.800 – 8.000 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 8.000 đồng/kg.
Với lúa nếp, nếp An Giang tươi ở mức 6.300 – 6.500 đồng/kg; nếp Long An tươi dao động quanh mốc 7.300 – 7.450 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo hôm nay biến động trái chiều khi điều chỉnh tăng nhẹ với gạo nguyên liệu. Trong khi đó, giá gạo thành phẩm lại giảm so với hôm qua. Cụ thể, gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 11.750 – 11.850 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 giảm 100 đồng/kg xuống còn 13.900 – 14.000 đồng/kg.
Với phụ phẩm giá không có biến động. Theo đó, giá tấm IR 504 ở mức 11.700 đồng/kg; giá cám khô ở mức 7.250 – 7.300 đồng/kg.
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 8, do ảnh hưởng của giá thế giới nên một số mặt hàng có xu hướng tăng giá như: xăng dầu, LPG, giá bán buôn đường kính trắng trong nước (riêng giá bán lẻ đường trong nước ổn định ở mức cao).
Giá gạo trong nước cũng tăng khá mạnh, nhất là gạo nguyên liệu cho xuất khẩu. Giá thóc, gạo tẻ thường ước tăng khoảng 500-1.500 đồng/kg, tùy loại và địa phương.