Sau 3 năm triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả ấn tượng. Đặc biệt trong năm 2024, tỉnh đã có những bước đột phá mạnh mẽ khi tỷ lệ TTKDTM tăng mạnh ở hầu hết các lĩnh vực, thay đổi thói quen sử dụng tiền của người dân và góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của địa phương.
Hầu hết người trẻ tuổi sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt khi đi mua sắm hàng hóa.
Người dân hào hứng với thanh toán số
Sự thay đổi này được thể hiện rõ qua trải nghiệm của nhiều người dân. Tại chợ Đông Vệ, TP Thanh Hóa, chị Lê Thị Huê chia sẻ về hành trình chuyển đổi từ e ngại sang hài lòng với phương thức thanh toán mới: "Ban đầu, khi cán bộ ngân hàng xuống tận chợ hướng dẫn sử dụng mã QR, nhiều tiểu thương còn e dè. Tuy nhiên, trước xu thế thanh toán điện tử ngày càng phổ biến, tôi đã mạnh dạn đăng ký tài khoản ngân hàng. Giờ đây, việc buôn bán của tôi thuận tiện hơn nhiều, không còn nỗi lo về tiền giả hay việc trả lại tiền lẻ".
Đối với người cao tuổi như bà Nguyễn Thị Thủy, ở TP Thanh Hóa việc TTKDTM đã mang lại nhiều tiện ích đáng kể. Thay vì phải đạp xe đến bưu điện phường và chờ đợi cả buổi sáng để nhận lương hưu như trước đây, giờ đây tiền tự động chuyển vào tài khoản hàng tháng. Với tính năng nhận diện khuôn mặt trên điện thoại thông minh, bà có thể dễ dàng thanh toán khi đi chợ hay mua sắm mà không cần mang theo tiền mặt. Việc thanh toán các hóa đơn điện, nước cũng được thực hiện thuận tiện ngay tại nhà qua điện thoại.
Trong lĩnh vực giáo dục, chị Nguyễn Thị Hương, ở phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa cũng đánh giá cao sự tiện lợi của hình thức thanh toán này. Với hai con đang học cấp 2 và cấp 3, việc nộp học phí qua tài khoản ngân hàng giúp chị tiết kiệm được nhiều thời gian. Đặc biệt, mọi khoản thu đều được ghi nhận rõ ràng, minh bạch và có thể tra cứu lịch sử giao dịch để đối chiếu khi cần.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, anh Lê Bá Bách đến từ huyện Triệu Sơn cũng chia sẻ những thuận lợi khi không phải mang nhiều tiền mặt đi khám chữa bệnh. Chỉ cần mang theo thẻ ATM hoặc điện thoại, anh có thể dễ dàng thanh toán viện phí và tiền thuốc thông qua quét mã QR.
Quyết liệt triển khai, kết quả ấn tượng
Những kết quả tích cực này có được nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền cùng sự đồng hành của ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông.
Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương. Trong năm 2024, tỉnh đã tập trung vào ba nhóm giải pháp chính: phát triển hạ tầng và dịch vụ thanh toán, đẩy mạnh thanh toán điện tử trong dịch vụ công và tăng cường truyền thông - bảo mật.
Về hạ tầng kỹ thuật, các doanh nghiệp viễn thông đã có những đầu tư đáng kể. Trong năm 2024, toàn tỉnh đã xây dựng mới 336 nhà trạm, cột thu phát sóng thông tin di động và lắp đặt thêm 698 thiết bị 4G và 5G trên hạ tầng xây dựng mới và hạ tầng hiện có, nâng tổng số thiết bị thu phát sóng thông tin di động hiện có là 9.433 trạm. Hiện nay, 99,66% số thôn, bản được cung cấp Internet băng thông rộng di động, đồng thời tỉnh cũng có gần 5.000 điểm cung cấp dịch vụ Internet băng rộng cố định tại các khu vực công cộng.
Song song với việc phát triển hạ tầng viễn thông, hệ thống thanh toán ngân hàng cũng được nâng cấp mạnh mẽ. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 367 máy ATM/CDM và gần 4.000 máy POS với 3.951 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại các cơ sở bán lẻ, chuỗi phân phối, khách sạn và tiếp tục mở rộng ra các cơ sở y tế, Trung tâm Phục vụ hành chính công, trường học... Các ngân hàng đã tập trung phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại như mở tài khoản, mở thẻ bằng phương thức điện tử (eKYC), thanh toán và rút tiền tại ATM bằng QR Code, thanh toán thẻ chip phi tiếp xúc. Nhiều ngân hàng còn áp dụng chính sách miễn phí toàn bộ dịch vụ ngân hàng số, bao gồm miễn phí duy trì tài khoản, phí chuyển tiền và không yêu cầu số dư tài khoản. Một số ngân hàng thậm chí còn tặng số dư tài khoản cho khách hàng mới và miễn phí phát hành thẻ nội địa, phí quản lý tài khoản, phí rút tiền mặt cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội...
Từ những giải pháp trên, đến cuối năm 2024, tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tỷ lệ TTKDTM chiếm 64,48%, với 58.808 lượt giao dịch, tăng 153% so với cùng kỳ năm trước. Trong lĩnh vực thuế, 100% doanh nghiệp và 91% hộ kinh doanh cá nhân đã đăng ký nộp thuế điện tử. Đối với dịch vụ điện, nước, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã đạt tỷ lệ TTKDTM 97,24% trong tổng số 815.036 khách hàng; Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa có 37% khách hàng TTKDTM, tăng 60% so với năm trước.
Trong lĩnh vực giáo dục và y tế, 100% cơ sở giáo dục và toàn bộ 69 đơn vị y tế trong tỉnh đã chấp nhận TTKDTM. Tổng thu học phí bằng phương thức KDTM chiếm 68% tổng số đã thu; thanh toán viện phí KDTM chiếm 30% giá trị trên tổng số viện phí đã thu.
Tính đến ngày 30/11/2024, trên địa bàn tỉnh có hơn 3,1 triệu tài khoản cá nhân đang hoạt động, bình quân gần 2 tài khoản cho mỗi người từ 15 tuổi trở lên. Số lượng giao dịch TTKDTM đạt trên 251 triệu giao dịch, với doanh số 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 67% về số lượng và 15% về giá trị so với năm trước. Về thương mại điện tử, chỉ số xếp hạng của tỉnh đạt 23 điểm, đứng thứ 17 toàn quốc, tăng 3 bậc so với năm 2023, với doanh số thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ, dịch vụ là 2,26%.
Tuy nhiên, việc triển khai TTKDTM vẫn còn một số thách thức như mạng lưới ngân hàng chưa phủ khắp vùng sâu, vùng xa, các xã xa trung tâm huyện, thị xã, thành phố và khu vực miền núi; tâm lý e ngại của người dân về an toàn giao dịch và sự thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ...
Năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phát triển TTKDTM, trong đó tăng cường phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về TTKDTM; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân thực hiện tốt việc TTKDTM; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục; đẩy mạnh TTKDTM trong chi trả an sinh xã hội; khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa dịch vụ... triển khai các hình thức miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán để thúc đẩy TTKDTM; khuyến khích các trường học, bệnh viện, công ty điện, nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị tăng cường phối hợp với các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức TTKDTM; mở rộng mạng lưới thanh toán đến vùng sâu vùng xa, tăng cường bảo mật và đẩy mạnh truyền thông để thay đổi thói quen thanh toán của người dân. Đặc biệt, tỉnh sẽ chú trọng đào tạo, hướng dẫn kỹ năng thanh toán số cho người cao tuổi và người dân ở khu vực nông thôn, miền núi...
Bài và ảnh: Ngân Hà
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/dot-pha-trong-chuyen-doi-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-239100.htm
Kommentar (0)