La carpa plateada 'Sulky' ayuda a la gente Tay de Ha Giang a desarrollar el turismo

Việt NamViệt Nam04/02/2025

Hưởng dòng nước mát lành từ dãy núi Tây Côn Lĩnh, hơn 600 hộ dân ở xã Phương Độ (Hà Giang) nhà nào nhà nấy đều có một ao nhỏ nuôi giống cá “ngũ quý hà thủy” - cá bỗng.

Cá bỗng được người dân Phương Độ nâng niu như tài sản quý của gia đình

Từ xa xưa, cá bỗng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của đồng bào người Tày, người Dao ở xã Phương Độ (Hà Giang). Những ao cá này đã được truyền lại từ đời này qua đời khác.

Cá bỗng bây giờ không chỉ là một giống cá truyền thống của địa phương, mà còn là chỉ dẫn địa lý, đưa du khách về với bản làng người Tày, người Dao dưới chân núi Tây Côn Lĩnh.

Những ao cá bỗng dưới chân Tây Côn Lĩnh

Theo những người lớn tuổi trong làng kể lại, cá bỗng vốn là loài cá tự nhiên sống ở các con sông lớn ở vùng núi phía Bắc như sông Lô, sông Gâm, sông Miện. Cá bỗng từng là một trong năm loại cá tiến vua gồm: cá bỗng, cá anh vũ, cá lăng, cá dầm xanh, cá chiên.

Nằm trên lưng chừng dãy núi Tây Côn Lĩnh, ao cá nhà ông Bàn Văn Hào (thôn Khuổi My, xã Phương Độ) đã có từ trước khi ông sinh ra. Ông Hào kể từ bé ông đã theo cha đi xúc cá bột ở sông Lô.

Lúc bấy giờ, cá bỗng trong tự nhiên còn nhiều. Chúng có tập tính đẻ trứng ở khu vực bãi cát gần chỗ nước chảy xiết, nên chỉ cần bắt về thả trong ao.

Những con cá bỗng to bằng cả bắp đùi tranh nhau ăn trong ao cá nhà ông Hào

Cá bỗng dễ nuôi, nhưng chỉ cần nguồn nước không sạch, cả đàn cá quý giá cứ thế lũ lượt ra đi. Bởi vậy mà từ xưa, người Tày, người Dao ở xã Phương Độ đã dẫn con nước từ trên dãy núi Tây Côn Lĩnh sừng sững về tận ao nhà để có nguồn nước sạch. Ao nọ nối ao kia, đảm bảo luôn có nước ra - nước vào, tạo môi trường giàu oxy cho cá phát triển.

Ao nhỏ nhưng có đến cả trăm con cá bỗng. Ông Hào cho cá ăn nắm cỏ trong vườn. Cả đàn thấy động lừ lừ tụ lại thành đám, bơi chồng cả lên nhau tranh ăn.

Ao cá truyền đời của gia đình ông Hào

Con nào con nấy to như bắp đùi. Con già đời nhất cũng đến cả 50 tuổi, con nào "trẻ" cũng ngót nghét 20 năm.

"Tôi ngắm cá này không bao giờ chán. Tôi 70 tuổi, nhưng có con cũng 50 tuổi rồi.

Giống cá này ăn tạp nhưng lại chậm lớn, phải 2 năm mới được 1kg. Con to nhất khoảng trên một yến, nhưng đạt cân nặng như vậy phải nuôi 30 năm", ông Hào cho hay.

Chúng lừ lừ như điện, mình thon dài, chắc nịch, lưng xanh xám, vảy cứng, vây tía đỏ, đầu xanh óng ánh như phủ rêu xanh.

Ông Hào kể sông Lô giờ không còn cá giống nữa, muốn tìm thêm cá về nuôi thì phải đi xa qua sông Gâm, sông Miện để mua. Những con cá gắn bó với gia đình cả nửa thế kỷ được nâng niu như tài sản có giá trị của gia đình.

Du khách thích thú cho cá bỗng ăn trước homestay nhà ông Cậy

Phát triển du lịch từ cá bỗng

Không chỉ Hà Giang mới nuôi cá bỗng, nhưng truyền thống nuôi giống cá này của người Tày đã trở thành nét văn hóa để quảng bá du lịch cho địa phương.

Từ loài cá được nuôi để cải thiện đời sống, những ao cá ở Phương Độ nay đã thành một điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với bản Tày.

Men theo con đường bê tông uốn lượn quanh những ruộng lúa xanh ngát, homestay nhà ông Nguyễn Văn Cậy (thôn Tha, xã Phương Độ) là một ngôi nhà sàn truyền thống bằng gỗ của người Tày.

Mỗi lần vét bùn, thay nước cho ao cá, người dân Phương Độ lại dành một ô riêng để dồn cá bỗng lại. Ao sạch cá lại được thả ra cứ thế tiếp tục nuôi đời này qua đời khác

Trước chỉ quanh quẩn ở bản, ông Cậy thấy ao cá nhà nào cũng giống nhà nào, bởi ở bản nhà ai mà không có cá bỗng. Từ khi làm du lịch, đi nhiều, ông Cậy mới thấy bản mình khác biệt cũng chính bởi ao cá trước nhà.

"Khách đến nhà mình chơi cứ ngồi ngắm cá cả ngày. Cá bỗng nuôi lâu dạn người. Cứ thấy người ở đâu là cả đàn bơi về đó, có khách mua cả bánh mì về cho cá ăn. Nhưng cá này cũng hay dỗi. Mình bắt lên rồi thả xuống là cả tháng sau nó không thèm đến ăn", ông Cậy kể.

Năm 2021, sản phẩm cá bỗng truyền thống này được công nhận chỉ dẫn địa lý của Hà Giang. Từ đó du khách biết đến cá bỗng Hà Giang nhiều hơn. Họ tìm về Phương Độ để thưởng thức món cá tiến vua giá trị này.

Theo ông Bùi Đức Định - chủ tịch UBND xã Phương Độ, bà con địa phương đã tận dụng lợi thế này để đưa cá bỗng thành sản phẩm mang tính thương hiệu, góp phần phát triển du lịch tại Phương Độ, cải thiện đời sống của bà con.

Chính quyền địa phương tạo điều kiện, khuyến khích các hộ dân mở rộng mô hình nuôi cá bỗng để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cao của du khách.

Mỗi tháng gia đình anh Nguyễn Tất Thắng (xã Phương Độ) thu mua hơn 300kg cá bỗng thương phẩm từ các hộ dân trong xã để chế biến, phục vụ nhu cầu thưởng thức món cá tiến vua này của du khách khi đến Hà Giang. Anh Thắng cho biết cá bỗng Hà Giang được công nhận chỉ dẫn địa lý giúp giống cá truyền thống ở địa phương có thương hiệu.

Giá bán cá bỗng tăng dần theo cân nặng của cá. Con nặng 4kg thì 400.000 đồng/kg; loại 5kg, 6kg thì cứ tăng thêm 100.000 đồng/kg. Con 10kg thì cả chục triệu đồng.

Khoảng thời gian tháng 10 - 11 hằng năm là lúc du khách về Phương Độ nhiều nhất. Riêng thu nhập từ cá bỗng mang về cho gia đình anh khoảng 80-170 triệu đồng.

Các món ngon với cá bỗng như cá nướng, om dưa, gỏi đều được chế biến theo cách của người Tày. "Du khách thưởng thức các món đều khen cá bỗng Phương Độ ngon, ngọt, có độ dai, giòn vừa đủ", anh Thắng nói.


Nguồn

Kommentar (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available