“Điểm hẹn” Tết Việt 2025 tại Hoàng thành Thăng Long

VHO - Phát huy giá trị các nghi lễ tết tiêu biểu của Cung đình cũng như những phong tục tết dân gian truyền thống của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động Tết từ ngày 20.1 đến 6.2.2025 (21 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến mùng 9 Tháng Giêng năm Ất Tỵ), với nhiều hoạt động đặc sắc, hứa hẹn là “điểm hẹn” hấp dẫn tại Thủ đô dịp đầu năm.

Báo Văn HóaBáo Văn Hóa29/01/2025


Tái hiện không gian Tết xưa tại Hoàng thành

Sống lại không gian Tết xưa 

Điểm nhấn trong Không gian Tết truyền thống là không gian trưng bày “Tết xưa – Tết thời bao cấp”, tổ chức tại Khu nhà 19C Hoàng Diệu, từ ngày 20.1.2025

Ngược dòng thời gian trở về “Tết xưa – Tết thời bao cấp” của thập kỷ 70, 80, du khách cùng sống lại một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước. Tết thời bao cấp thiếu thốn về vật chất nhưng đầy ắp tình người và sự thiêng liêng. Tết là sự chờ đợi, háo hức, là mong ước hi vọng với biết bao niềm vui cho tất cả mọi người. 

“Tết thời bao cấp” được tái hiện qua 3 không gian trưng bày: Gian hàng Mậu dịch quốc doanh, Gian hàng tranh - hoa - pháo tết và Không gian thờ cúng. Không gian trưng bày tuy không lớn nhưng đã làm nổi bật được đời sống vật chất, tinh thần và văn hóa tâm linh của người dân Hà Nội cách đây nửa thế kỷ.

Tái hiện “Nghi lễ tết cung đình ngày xuân” 

Đây cũng là không gian trưng bày thú vị. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê sơ, trong cung đình thời Lê Trung hưng đã hình thành nên một hệ thống các nghi lễ Tết Cung đình mùa xuân. Trong đó, có 3 nghi lễ đặc biệt quan trọng là lễ tiến lịch, lễ tiến xuân ngưu và lễ chính đán.

Lễ tiến lịch được xem là nghi lễ đầu tiên của triều đình báo hiệu về thời khắc “tết đến xuân về”. Vào sớm ngày 24 tháng Chạp hàng năm, tại sân rồng điện Kính Thiên, triều đình long trọng tổ chức nghi lễ tiến Ngự lịch lên Hoàng đế và ban lịch cho bách quan, muôn dân. Lễ được tổ chức với nghi lễ thường triều do Bộ Lễ chủ trì, bộ phận chuyên trách là Nghi chế ty cùng phối hợp với Tư lễ giám, Lễ khoa, Cáp môn...

Nhiều hoạt động thú vị trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại Hoàng thành Thăng Long

Lễ tiến xuân ngưu được tổ chức vào ngày lập xuân. Theo quan niệm của người xưa, một năm có 12 tháng, mỗi tháng tượng trưng cho hình ảnh một con vật thuộc 12 con giáp, tháng cuối cùng của năm biểu tượng là Trâu nên gọi là tháng Sửu. Thời điểm này vẫn là mùa đông giá rét, làm tượng trâu ban đầu với nghĩa tống tiễn mùa đông lạnh giá; sau có thêm tục đả xuân ngưu mang ý trấn át, xua đuổi khí lạnh mùa đông, đón chào mùa xuân.

Lễ Chính đán được tổ chức vào sáng sớm ngày mồng Một tết với nghi thức Đại triều trang trọng, tôn nghiêm, diễn ra tại sân điện Kính Thiên. Lễ Chính đán là một nghi lễ triều hội, là dịp nhà vua, hoàng tộc và trăm quan gặp gỡ nhau ngày đầu năm mới, cùng chúc tụng nhà vua trường thọ, nhân dân ấm no yên vui, xã tắc vừng bền cường thịnh. Trong lễ Chính đán, 12 xứ trong cả nước dâng biểu chúc mừng nhà Vua. Nhân dịp này nhà Vua cũng ban yến, ban tiền thưởng xuân cho văn võ bá quan. Việc ban yến, ban tiền là một phong tục có từ thời Lý - Trần, thể hiện sự quan tâm của người đứng đầu đất nước với thần dân của mình.

Cả 3 nghi lễ đều được trưng bày thông qua hình thức giới thiệu tư liệu, diễn giải bằng tranh vẽ phỏng dựng và hiện vật mô hình, giúp du khách có thể hình dung ra được phần nào đời sống chính trị, văn hóa, lịch sử quá khứ vàng son hoàng cung xưa kia.

Thời gian trưng bày từ ngày 20.1.2025, tại Khu nhà N14.

Tống cựu nghinh tân

Hoạt động giới thiệu và trình diễn tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được tổ chức ngày 23 tháng Chạp năm Giáp Thìn ( tức ngày 22.1.2025)

Chương trình thể nghiệm những lễ nghi trong dịp Tết Nguyên đán đã từng diễn ra trong Cung đình Thăng Long xưa, thể hiện mong muốn hưng thịnh cho quốc gia, sự bình an no ấm cho nhân dân. “Tống cựu nghinh tân” nghĩa là tiễn năm cũ đón năm mới.

Điểm hẹn cho du khách tại Thủ đô dịp đầu Xuân mới

Nhiều nghi lễ truyền thống, thiêng liêng trong Tết Cung đình xưa cũng được tái hiện sinh động. Trong đó, nghi lễ Tiến lịch không chỉ là một nghi lễ thiêng liêng, đóng vai trò quan trọng trong đời sống cung đình và dân gian xưa mà “lịch” đã trở thành một vật đặc biệt gắn liền với đời sống của con người trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Làm lịch của cả năm để nắm được những mốc quan trọng của Cung đình trong một năm, thuận theo mùa và thời tiết. 

Vì thế, nghi lễ này như là một sợi dây kết nối giữa con người đương đại với nền văn hóa của quá khứ. Năm Ất Tỵ 2025, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp các đơn vị thực hiện nghi lễ Tiến Lịch dưới hình thức sân khấu hóa với các nghi thức cung đình thuở xưa.

Cùng với đó là nghi lễ Thả cá Chép Tiễn Ông Công Ông Táo về trời. Sau một thời gian tìm hiểu, sưu tầm và nghiên cứu kỹ lưỡng, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã phỏng dựng nghi lễ này với mong muốn lưu giữ một nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của đất Hà thành trong những dịp Tết đến, Xuân về.

Lễ dựng Nêu. Cây nêu ngày Tết là một phong tục truyền thống của người Việt Nam, thường được dựng vào dịp Tết Nguyên Đán. Việc dựng cây nêu mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, bảo vệ gia đình khỏi những điều xấu xa và cầu mong một năm mới bình an, may mắn. Cây nêu được dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, sau lễ tiễn ông Táo về trời, và hạ xuống vào ngày mùng 7 tháng Giêng, kết thúc kỳ nghỉ Tết. 

Phong tục dựng cây nêu không chỉ phổ biến trong cộng đồng người Kinh và trong dân gian mà còn được duy trì trong Kinh thành Thăng Long cũng như xuất hiện ở nhiều dân tộc thiểu số khác tại Việt Nam. Nhiều năm nay, vào ngày 23 tháng Chạp tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội đã tái hiện phong tục dựng nêu và hạ nêu nhằm lưu giữ một trong những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Lễ đổi gác. Việc Canh gác và bảo vệ cung thành được các triều đại phong kiến tổ chức vô cùng nghiêm ngặt. Đổi gác là một nghi thức quan trọng diễn ra hàng ngày trong cấm thành Thăng Long và triều Đại nhà Lê cũng không ngoại lệ. Ra vào cung phải có sắc chỉ của Vua mới được ra vào cửa cấm. Nếu có lệnh truyền triệu viên quan nào, ban ngày thì dùng bài ngà, cờ lệnh, ban đêm dùng hổ phù, cờ lệnh, lúc ấy quân hộ vệ mới được mở cửa thành. Để đảm bảo nhiệm vụ canh giữ, luật quy định binh lính phải đến đúng giờ, đúng quân số và chuẩn bị đầy đủ các công cụ hỗ trợ.

Sau một thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin và tài liệu lịch sử còn lưu lại, dựa trên việc sưu tầm, nghiên cứu nhiều nguồn tư liệu khác nhau, nhân dịp đón năm mới Ất Tỵ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội giới thiệu màn tái hiện nghi thức đổi gác mang tính phỏng dựng và có yếu tố sáng tạo, với mong muốn sẽ góp phần tạo nên sức sống trường tồn cho các di sản văn hóa lịch sử truyền thống, đem tới cho công chúng hôm nay những trải nghiệm độc đáo trong không gian thiêng liêng của Hoàng thành Thăng Long với hơn 1000 năm lịch sử.

 Lễ Khai xuân. Lễ dâng hương khai xuân được tổ chức thường niên tại Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội vào ngày mùng 9 tháng Giêng với ý nghĩa hướng về cội nguồn tiên tổ, tri ân công đức các bậc tiên đế, các đức vua anh minh, các bậc hiền tài có công với nước, đồng thời tôn vinh các giá trị truyền thống của Thăng Long - Hà Nội.

Chương trình dâng hương khai xuân được tổ chức trang trọng với nhiều nghi thức truyền thống như lễ rước, dâng hương, tế lễ và nhiều hoạt động văn hóa truyền thống có sự tham gia của cộng đồng.

Cũng trong dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội tổ chức các chương trình múa rối đặc sắc phục vụ du khách vào các ngày mùng 2, mùng 3, mùng 4 và mùng 5 Tết. 



Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

Nhân vật

Tết Trong Mơ: Những nụ cười giữa 'xóm ve chai'
Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao
Hình ảnh tuyệt đẹp trên cánh đồng hoa cúc chi vào vụ thu hoạch
Giới trẻ xếp hàng từ 6h30, chờ 7 tiếng để chụp ảnh ở quán cà phê cổ trang

No videos available