Đi 4.000 bước chân mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong, tăng tuổi thọ, theo một nghiên cứu quy mô lớn nhất vừa công bố.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí European Journal of Preventive Cardiology, được coi là công trình lớn nhất từ trước đến nay nhằm đo lường tác động tích cực của việc đi bộ hàng ngày. Các chuyên gia đã tổng hợp dữ liệu của khoảng 23.000 người trên khắp thế giới, từ 17 nghiên cứu nhỏ hơn về đi bộ. Họ chỉ ra rằng tất cả tình nguyện viên, bất kể giới tính, tuổi tác đều nhận được lợi ích sức khỏe từ việc đi bộ.
Maciej Banach, giáo sư y khoa tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Mỹ, một trong những tác giả chính của nghiên cứu, nhận định 4.000 bước mỗi ngày là thói quen hợp lý để có cơ thể khỏe mạnh nói chung. Lợi ích sức khỏe tăng lên nếu mọi người đi từ 6.000 đến 7.000 bước.
Để thực hiện nghiên cứu, các chuyên gia đã chia tình nguyện viên thành các nhóm, đi bộ 4.000 bước, 5.500 bước, 7300 bước và 11.500 bước mỗi ngày. Họ nhận ra rằng càng đi lại nhiều, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch càng thấp.
Tiến sĩ Banach cho biết con số 10.000 bước chân như khuyến nghị của nhiều chuyên gia trước đây có thể là quá nhiều đối với những người không có thói quen vận động mỗi ngày. Nhiều bệnh nhân của ông đã thất bại trong mục tiêu này bởi cảm thấy mệt mỏi sau thời gian ngắn, không thể thích nghi kịp. Theo ông, mọi người có thể bắt đầu với 3.000 đến 4.000 bước chân, sau đó tăng dần theo thời gian.
Nghiên cứu trước đó do Đại học Cambridge, Anh, thực hiện cũng chỉ ra rằng đi bộ nhanh 11 phút mỗi ngày, gần 75 phút mỗi tuần giúp ngăn ngừa 10% số ca tử vong sớm trên toàn thế giới.
Hoạt động thể chất cường độ vừa phải được định nghĩa là những hoạt động làm tăng nhịp tim, nhịp thở, nhưng không làm mọi người thở gấp hoặc quá mất sức.
“Đối với những người nhận thấy mục tiêu hoạt động thể chất 150 phút một tuần hơi khó khăn, thì phát hiện mới của chúng tôi là tin tốt lành. Bạn chỉ cần tập luyện 75 phút mỗi tuần, tăng dần lên theo thời gian để giảm tỷ lệ tử vong”, tiến sĩ Søren Brage, thành viên Hội đồng Nghiên cứu Y khoa (MRC) của Cambridge, cho biết.
Thục Linh (Theo Insider)