MỹKhi còn tiểu học, Elysha Schuhbauer, ở Ontario thường tự đơm cúc và thêu lên quần áo của mình.
“Tôi muốn những tác phẩm độc đáo mà không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Nếu tìm thấy thứ gì phù hợp với mình, tôi muốn tiếp tục mặc nó càng lâu càng tốt”, người phụ nữ điều hành công ty bán máy may Worth Mending nói.
Worth Mending là một phần của phong trào thời trang bền vững (Visible Mending), đề cao sự không hoàn hảo và các họa tiết trên quần áo như một hình thức nghệ thuật, tôn vinh mối quan hệ của cá nhân với những món đồ họ mặc.
Theo Elysha, quần áo có thể kể câu chuyện về cuộc đời của chủ nhân. Miếng vá ở đùi trên của quần jean có thể là ký ức về chuyến đi làm bằng xe đạp, vết khâu trên áo khoác có thể là do bạn làm nghề thợ điện.
Visible Mending cũng là cuộc phản công vào ngành công nghiệp thời trang nhanh, vốn chịu trách nhiệm tới 8% lượng khí thải carbon và là ngành tiêu thụ nước nhiều thứ hai toàn cầu.
Sau dầu mỏ, sản xuất dệt may là ngành gây ô nhiễm nhất. Một người trung bình tiêu thụ quần áo nhiều hơn 400% so với hai thập kỷ trước và ở Mỹ, hơn 11 triệu tấn hàng dệt bị vứt đi mỗi năm, theo nghiên cứu Kinh tế tuần hoàn và sự bền vững của ngành dệt may xuất bản năm 2021.
Bằng cách sửa chữa, tái chế và mua quần áo được tái chế, các chuyên gia cho rằng thời trang có thể chuyển đổi thành một ngành bền vững hơn.
Natasha David, giám đốc chương trình sáng kiến thời trang của Quỹ Ellen MacArthur cho biết hiện nay ngành công nghiệp thời trang nhanh được xây dựng dựa trên mô hình “Khai thác tài nguyên – Sản xuất –-Vứt bỏ sau tiêu thụ”. Các tổ chức nghiên cứu toàn cầu đang thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn, tức quần áo được làm từ vật liệu có thể tái tạo, được mặc thường xuyên hơn và tái chế sau khi hết vòng đời.
David cho biết các mô hình kinh doanh tuần hoàn có thể chiếm 23% thị trường vào năm 2030, đồng thời giảm lượng khí thải carbon xuống 1/3 mức cần thiết để giữ cho nhiệt độ hành tinh không tăng hơn 1,5 độ C. Đây cũng là mục tiêu mà Thỏa thuận chung Paris đặt ra. Theo chuyên gia này, rào cản lớn nhất để đạt được nền kinh tế này là thiết kế lại sản phẩm.
Vì vậy, từ năm 2019 đến năm 2023, tổ chức này đã tập hợp 100 doanh nghiệp, bao gồm các công ty thời trang như H&M, Levis và Tommy Hilfiger, cùng với các nhà bán lẻ, nhà máy và nhà sản xuất hàng may mặc để thiết kế lại quần jean – một loại mặt hàng chủ yếu trong tủ quần áo gây ô nhiễm cao, tiêu tốn nhiều tài nguyên – để tạo ra 1,5 triệu chiếc quần jean chứa tối thiểu 5% vật liệu tái chế.
Từ phía người tiêu dùng, sự quan tâm về thời trang bền vững ngày càng tăng. Trong một nghiên cứu năm 2022, tiến sĩ Sheng Lu, giáo sư nghiên cứu thời trang và may mặc tại Đại học Delaware, Mỹ, đã tìm thấy cơ sở cung ứng dồi dào cho quần áo làm từ 100% hàng dệt tái chế.
Song hiện tại, chưa đến 1% tổng số hàng dệt đã sản xuất được tái chế thành hàng dệt, theo Tricia Carey, giám đốc thương mại của Renewcell, một nhà sản xuất sợi tái chế. Renewcell mở cơ sở công nghiệp đầu tiên vào năm 2022 sau khoản đầu tư lớn từ các thương hiệu như H&M. Kể từ đó, họ đã tạo ra 20.000 tấn Circulose, một loại bột giấy tái chế được chuyển hóa từ rác thải dệt may. Một nghiên cứu điển hình ước tính rằng mỗi tấn bột giấy Circulose dùng trong quần áo sẽ tránh được 5 tấn khí thải carbon khi so sánh với sợi truyền thống.
Carey cho biết Renewcell tăng trưởng do nhu cầu của ngành thời trang về các giải pháp dệt may trong nền kinh tế tuần hoàn, nhưng thách thức lớn nhất của họ là khiến các thương hiệu thời trang mua với số lượng lớn.
“Một yếu tố góp phần làm tăng nhu cầu về quần áo bền vững hơn nói chung là nhận thức rõ hơn về các tác động tiêu cực đến xã hội và môi trường của sản xuất hàng may mặc”, Carey nói và cho biết thêm rằng các đạo luật sắp ra mắt về biến đổi khí hậu sẽ tăng cường tái chế và tái sử dụng.
Theo Lu, hành vi của người tiêu dùng ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của công ty thời trang. Ông cho biết các sinh viên Gen Z, những khách hàng cốt lõi trong tương lai của thời trang, đang tập trung vào tác động môi trường xã hội trong việc lựa chọn quần áo.
“Số đông sinh viên cho biết ngày nay họ chỉ mua sắm đồ cũ vì có quá nhiều rác thải dệt may và quần áo đã qua sử dụng ngoài kia”, vị này nói. Bên cạnh thời trang đồ cũ, ký gửi, các cửa hàng cho thuê cũng đang bùng nổ để đáp ứng nhu cầu.
Lily Fulop, nhà thiết kế đồ họa, người điều hành tài khoản Instagram về trang phục tái chế Mindful Mending cho biết nếu người tiêu dùng mua thời trang nhanh, họ nên mua có chủ ý hơn, áp dụng lời khuyên từ Công ước chung Paris là mua không quá 5 bộ mới mỗi năm, đồng thời sửa chữa, tái chế, mua đồ cũ.
Các chất liệu nên mua là cotton, len hoặc lụa. Hãy học một số kỹ thuật may cơ bản để sửa chữa đơn giản. Nếu đường may bị bung, nút bị lỏng hoặc quần áo bị thủng, thì một đường khâu, viền hoặc miếng vá nhanh có thể khiến quần áo trở lại như mới.
“Hãy xây dựng một tủ quần áo bền lâu hơn, không bị giãn và có chất lượng đủ tốt để nếu bị thủng thì cần phải sửa chữa”, cô nói. Đối với những người không có thời gian, hứng thú hoặc khả năng thể chất để sửa chữa nhưng vẫn muốn nâng cấp quần áo nên tìm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sửa chữa.
Một số công ty đang làm cho việc bán đồ cũ trở nên dễ dàng hơn. Sáng kiến Worn Wear của công ty thời trang nổi tiếng của Mỹ Patagonia, đang khuyến khích tái chế hoặc bán lại quần áo cũ. Một phát ngôn viên của tổ chức này cho biết trung bình giao dịch và bán lại một sản phẩm Worn Wear giúp tiết kiệm gần 5 kg khí thải carbon so với việc may một bộ quần áo mới.
“Cách tốt nhất để giảm lượng khí thải carbon và môi trường của quần áo là giữ chúng được sử dụng lâu hơn, bởi bạn hoặc người khác”, vị này nói.
Theo Elysha Schuhbauer, có rất nhiều thứ trên hành tinh này có thể cho chúng ta cuộc sống xa hoa mà không cần tập trung của cải và lãng phí. Thời trang bền vững là một thách thức lớn nhưng có rất nhiều cách để khai thác và tạo ra sự khác biệt lớn, nếu chúng ta bắt tay thực hiện, đầu tiên từ xây dựng chính tủ quần áo của mình.
Bảo Nhiên (Theo Vice)