Khởi nguồn từ ý tưởng “nhà queer, phòng may” cùng các cách thức ứng xử với chất liệu và kỹ thuật cụ thể như nhuộm, may vá…, triển lãm lần này tìm về cách mà các chị, các mẹ “tay khâu tay đan” để chắt chiu, chăm sóc đời sống gia đình.
Không dừng tại đó, dự án lần này cũng góp phần truy tìm những dấu ấn của nền kinh tế cộng đồng một thuở, như các nhà se tơ dệt sợi, các hợp tác xã may, thêu ren xuất khẩu…
Bên cạnh đó, người tham gia cũng có cơ hội soi chiếu vào các thú chơi thủ công đặc biệt, nhằm lan tỏa lối sống chậm trong nhịp sống gấp gáp, bận rộn, bộn bề.
Tại đây đang trưng bày các tác phẩm nhuộm tay (Phạm Ngọc Lan), thêu tay (Nguyễn Quốc Thành) mang âm hưởng lao động thủ công mỹ nghệ, qua đó làm “sống dậy” những tông điệu nắng gió, điệu múa của những ngón tay…
Thể nghiệm những thao tác khác trên đồ vật (Nguyễn Bằng Giang, Linh Linh) và trang phục in dấu những gì đã qua cũng mời gọi người chiêm ngưỡng đến gần, đưa tay chạm, gấp, trao hình, bắt nhịp.
Bìa carton (Đỗ Thanh Tâm), cơm – chỉ (Lê Tú Anh), giấy tan (Vũ Thanh Bình), quần tất (Nguyễn Bảo Châu), thóc (Đào Anh Khôi), vải (Nguyễn Quốc Thành), velcro (Nguyễn Hồng Nhung)… như cũng muốn chuyện trò với người xem.
Từ đó, phụ liệu và sản phẩm may mặc như được lồng ghép thêm trải nghiệm, phức cảm giới, cơ thể, tinh thần nữ và queer (những ai không dị tính hoặc những cá nhân được nhìn nhận là nữ giới mang tính nam hoặc nam giới mang tính nữ).
Đây là dự án do Queer Forever! tổ chức, phối hợp thực hiện cùng Bà Bầu Air, Nhà Sàn Collective trong khuôn khổ chương trình “Queer Ideas” do Viện Goethe Hà Nội khởi xướng và tài trợ. Chương trình do Nguyễn Quốc Thành giám tuyển.
Chia sẻ về dự án, giám tuyển, nghệ sĩ Nguyễn Quốc Thành cho biết: “Dự án bắt đầu bằng ý tưởng các nghệ sĩ mong muốn làm một “ngôi nhà queer” có nhiều phòng. Ý tưởng về nhà thật ra đã có rất nhiều ở Việt Nam, vì vậy chúng tôi quyết định mở xưởng như một phòng may vá. Khi cơ thể tương tác với quần áo, tôi có cảm giác quần áo như ‘khuôn mẫu’ và cơ thể phản ứng với điều đấy theo những cách khác nhau, dưới những góc nhìn khác nhau. Vì vậy dự án ‘nhà queer’ cũng phản ánh mong muốn dịch chuyển, không cố định”.
Nguyễn Quốc Thành là thành viên đồng sáng lập Nhà Sàn Collective tại Hà Nội.
Năm 2013, anh bắt đầu thực hiện Queer Forever!, một dự án tiếp diễn dưới các hình thức tham gia của cộng đồng như rạp chiếu phim di động, không gian cư trú, căn bếp, nơi gặp gỡ, học hỏi, làm nghệ thuật…
Năm 2019, Thành thực hiện Vườn Lài Xứ Sở Diệu Kỳ với nội dung trình chiếu, thảo luận và biên soạn ấn phẩm về điện ảnh queer Việt Nam.
Năm 2022, Thành hợp tác mở nhà queer mang tên ưhưh22 trong khuôn khổ dự án Bến của Nhà Sàn Collective tại documenta15, Kassel, CHLB Đức.
Ý tưởng nhà queer chào đón tất cả mọi người sau đó tiếp tục được thực hiện trong những năm 2023 – 2025 tại Hà Nội với hỗ trợ của Viện Goethe Hà Nội trong khuôn khổ chương trình Queer Ideas.
Nguồn: https://thanhnien.vn/may-va-nhuom-noi-len-dieu-gi-185250112082317089.htm