Theo Reuters, Zhongzhi Enterprise Group (ZEG), một công ty quản lý tài sản lớn ở Trung Quốc và có liên quan nhiều đến lĩnh vực bất động sản, hôm 22/11 đã thông báo tới các nhà đầu tư rằng họ “mất thanh khoản nghiêm trọng”.
Trong thư gửi tới các nhà đầu tư, ZEG cho biết công ty này đang gánh khoản nợ lên đến 460 tỷ nhân dân tệ (65 tỷ USD), trong khi tài sản hiện có chỉ 200 tỷ nhân dân tệ.
“Do tài sản của tập đoàn tập trung vào các khoản đầu tư nợ và vốn cổ phần và có thời hạn dài nên việc thu hồi khó khăn, số tiền có thể thu hồi dự kiến thấp, thanh khoản cạn kiệt và tài sản bị suy giảm nghiêm trọng”, ZEG giải thích.
ZEG là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, khai thác mỏ và xe điện. Mối lo ngại về tài chính xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 8 khi Zhongrong International Trust, một quỹ tín thác mà ZEG sở hữu một phần, cho biết họ đã không thanh toán cho các nhà đầu tư doanh nghiệp.
Tính đến cuối năm 2022, Zhongrong International Trust quản lý khối tài sản lên tới 87 tỷ USD cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân giàu có. Zhongrong International Trust từng là một trong hàng nghìn công ty quản lý tài sản mang lại lợi nhuận tương đối cao cho nhà đầu tư.
Giới phân tích ước tính, ngành quỹ tín thác, hay ngân hàng ngầm, ở Trung Quốc có quy mô khoảng 2,9 nghìn tỷ USD, lớn hơn quy mô kinh tế Pháp. Các ngân hàng ngầm thường cung cấp tài chính thông qua hoạt động ngoại bảng hoặc thông qua tổ chức tài chính phi ngân hàng, như các công ty tín thác.
Khác với hệ thống ngân hàng, các tổ chức tài chính dạng ngân hàng ngầm có thể cho vay tiền dễ dàng hơn, song các khoản vay đó không được đảm bảo như khoản vay của ngân hàng truyền thống. Điều này dẫn tới rủi ro đổ vỡ hệ thống khi có nhu cầu thanh toán bất ngờ trên diện rộng.
Theo giới chuyên gia, các nhà đầu tư vào các sản phẩm quản lý tài sản này ở Trung Quốc chủ yếu là người thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Bất kỳ khoản vỡ nợ hoặc thậm chí lo ngại nào do thanh toán chậm trễ có thể làm giảm niềm tin của người tiêu dùng.
Những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã tìm cách hạn chế tốc độ phát triển nhanh chóng của những khoản nợ ngoài hệ thống ngân hàng như vậy.
Đặc biệt, lĩnh vực ngân hàng ngầm trở thành tâm điểm chú ý khi có những lo ngại xoay quanh tương lai của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản.
Theo dữ liệu của ngân hàng Nomura, tính đến cuối tháng 3 năm nay, khoảng 7,4% tổng giá trị của các quỹ tín thác ở Trung Quốc là những khoản vay bất động sản, tương đương khoảng 1,13 nghìn tỷ nhân dân tệ (hơn 159 tỷ USD).
Nomura cho rằng, nợ thực tế của doanh nghiệp bất động sản vay từ các quỹ tín thác có thể lớn gấp 3 lần so với con số này, lên tới 3,8 nghìn tỷ nhân dân tệ vào cuối tháng 6.