Mâu thuẫn âm ỉ nhiều năm qua giữa người Albania và Serbia ở Kosovo tăng nhiệt sau cuộc bầu cử thị trưởng, châm ngòi đụng độ giữa người biểu tình với lính NATO.
Căng thẳng giữa Serbia và Kosovo tuần này bùng phát thành bạo lực sau khi cảnh sát Kosovo đột kích các khu vực do có người Serbia sinh sống ở miền bắc và kiểm soát các tòa nhà chính quyền địa phương.
Người gốc Serbia sau đó xuống đường biểu tình, tìm cách xông vào bên trong tòa thị chính thị trấn Zvecan hôm 29/5, dẫn đến đụng độ với cảnh sát Kosovo và lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO (KFOR), khiến hàng chục binh sĩ Hungary và Italy tham gia phái bộ bị thương.
Căng thẳng leo thang đến mức Serbia đã đặt quân đội trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao và cảnh báo sẽ không đứng yên nếu người Serbia ở Kosova bị tấn công lần nữa, làm dấy lên lo ngại về cuộc xung đột mới ở Kosovo.
Kosovo là vùng lãnh thổ với dân số chủ yếu là người Albania. Khu vực này từng là một tỉnh của Serbia, nhưng tuyên bố độc lập năm 2008. Tuy nhiên, Serbia không công nhận và vẫn coi đây là một phần lãnh thổ của mình.
Khoảng 100 quốc gia đã công nhận nền độc lập của Kosovo, trong đó có Mỹ, trong khi Nga, Trung Quốc và 5 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đứng về phía Serbia. Tình trạng này đã khiến căng thẳng kéo dài và cản trở sự ổn định của vùng Balkan sau các cuộc chiến đẫm máu vào những năm 1990.
Tranh chấp về Kosovo đã kéo dài hàng thế kỷ. Serbia xem khu vực này như trung tâm tôn giáo và văn hóa của họ, với nhiều tu viện Kito giáo Chính thống của Serbia đều nằm ở khu vực này. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Serbia xem trận chiến năm 1389 chống lại người Ottoman ở Kosovo là biểu tượng của cuộc đấu tranh quốc gia.
Nhưng đa số người Albania ở Kosovo đều xem đây là quốc gia riêng của họ và cáo buộc Serbia cố tình chiếm đóng. Người Albania từng phát động cuộc nổi dậy vào năm 1998 để thoát khỏi sự cai trị của Serbia.
Chiến dịch trấn áp quyết liệt của Belgrade với phong trào nổi dậy này đã khiến NATO quyết định can thiệp bằng chiến dịch không kích năm 1999, buộc Serbia phải rút quân và nhường quyền kiểm soát Kosovo cho lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.
Kể từ đó, căng thẳng giữa chính quyền Kosovo và những người gốc Serbia sống ở miền bắc nước này không giảm bớt. Những nỗ lực của chính quyền Kosovo nhằm giành thêm quyền kiểm soát ở miền bắc thường vấp sự phản kháng mạnh mẽ từ những người gốc Serbia.
Thị trấn Mitrovica ở miền bắc Kosovo đã bị chia làm đôi, một phần do người Albania kiểm soát, phần còn lại do người Serbia nắm giữ. Miền nam Kosovo cũng có những khu vực nhỏ hơn tập trung nhiều người Serbia. Trong khi đó, miền trung Serbia cũng có hàng chục nghìn người gốc Kosovo sinh sống sau khi họ chạy trốn cùng với đợt rút quân của quân đội nước này vào năm 1999.
Nhiều nỗ lực quốc tế liên tục được thực hiện để tìm kiếm sự đồng thuận của hai bên, nhưng đến nay chưa có kết quả. Các quan chức EU đã làm trung gian cho các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ giữa Serbia và Kosovo. Hai bên đã đạt nhiều thỏa thuận trong các cuộc đàm phán, nhưng chúng hiếm khi được tuân thủ nghiêm túc.
Ý tưởng về thay đổi biên giới và hoán đổi lãnh thổ giữa Kosovo với Serbia để giải quyết xung đột đã bị nhiều nước EU từ chối vì lo ngại có thể dẫn tới phản ứng dây chuyền ở các khu vực tranh chấp khác, gây bất ổn thêm cho khu vực Balkan.
Cả Kosovo và Serbia đều được chèo lái bởi các lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc, những người chưa sẵn sàng thỏa hiệp.
Tại Kosovo, Albin Kurti, cựu lãnh đạo phong trào biểu tình của sinh viên, đang nắm quyền và là người có vai trò chủ chốt trong các cuộc đàm phán do EU làm trung gian. Ông cũng được biết đến là người ủng hộ mạnh mẽ thống nhất Kosovo với Albania và phản đối bất kỳ thỏa hiệp nào với Serbia.
Trong khi đó, Serbia được dẫn dắt bởi Tổng thống dân túy Aleksandar Vucic, cựu bộ trưởng thông tin trong suốt cuộc chiến tranh ở Kosovo. Lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan này nhấn mạnh rằng bất kỳ giải pháp nào cũng phải là thỏa hiệp lâu dài, thêm rằng đất nước của ông sẽ không đồng ý giải quyết xung đột nếu không đạt được điều gì đó.
Tình hình nóng lên từ tháng trước, khi các địa phương ở miền bắc Kosovo tổ chức bầu cử, chọn ra 4 thị trưởng mới là người Albania thay thế các quan chức Serbia đồng loạt từ chức vào tháng 11/2022. Khi các thị trưởng người Albania mới được bầu ngày 26/5 chuyển tới văn phòng của họ, người Serbia tìm cách ngăn cản, buộc cảnh sát chống bạo động Kosovo dùng hơi cay để đối phó.
Ba ngày sau, người Serbia tổ chức biểu tình trước các tòa thị chính, dẫn tới cuộc đụng độ nghiêm trọng giữa họ và lực lượng gìn giữ hòa bình Kosovo cùng cảnh sát địa phương.
Giới chức quốc tế đang hy vọng đẩy nhanh các cuộc đàm phán và đạt được giải pháp trong những tháng tới. Cả Kosovo và Serbia phải bình thường hóa quan hệ nếu họ muốn trở thành thành viên của EU. Việc không đạt được đột phá lớn trong quá trình đàm phán đồng nghĩa tình trạng bất ổn sẽ kéo dài, khiến hai bên đối mặt nguy cơ suy giảm kinh tế và xung đột liên tục.
Bất kỳ sự can thiệp nào của quân đội Serbia tại Kosovo sẽ đồng nghĩa xảy ra đụng độ với lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO ở đây. Belgrade kiểm soát người Serbia ở Kosovo, trong khi Kosovo không thể trở thành thành viên Liên Hợp Quốc hay một nhà nước thực sự nếu không thể giải quyết dứt điểm tranh chấp với Serbia, theo bình luận viên Dusan Stojanovic của AP.
Thanh Tâm (Theo AP)