Sự tương phản này phản ánh cách các công ty truyền thông toàn cầu đang cân nhắc sử dụng công nghệ AI trong việc đưa tin về Olympic Paris 2024.
NBCUniversal đang nghiên cứu phát sóng Thế vận hội cho khán giả Mỹ bằng một số công nghệ AI, bao gồm tái tạo giọng nói của một phát thanh viên thể thao huyền thoại. Trong khi đó, với bộ phận thể thao của Warner Bros. Discovery tại châu Âu, công nghệ này vẫn còn quá mới mẻ đối với các vai trò như bình luận thể thao.
Warner Bros. Discovery, đơn vị sẽ phát trực tuyến Thế vận hội trên khắp châu Âu, đã nhận được bản dịch demo từ các công ty công nghệ sang các ngôn ngữ khác nhau, nhưng các bản demo này thiếu đi cảm xúc thường thấy trong những khoảnh khắc thể thao hồi hộp, theo Scott Young, phó chủ tịch cấp cao tại Warner Bros. Discovery Sports Europe cho biết.
“Mọi phần của bản demo có vẻ đã dịch đúng các từ, nhưng chưa tường thuật lại đúng cảm xúc”, ông nói.
Ví dụ, khi vận động viên chạy nước rút người Ý Marcell Jacobs làm cả thế giới kinh ngạc khi giành huy chương vàng ở nội dung 100 mét nam tại Tokyo, các bình luận viên người Ý đã hô vang, tạo ra khoảnh khắc chân thực làm “sống lại câu chuyện đó”, Young nói. “Rất khó để tự động tạo ra điều đó”.
Trong khi đó, khán giả Mỹ sẽ được trải nghiệm AI khi xem Thế vận hội trên NBC hoặc dịch vụ phát trực tuyến Peacock nhờ vào sự hợp tác mới giữa NBCUniversal, Google và Đội tuyển Mỹ.
Hình ảnh Google Map được tăng cường AI về các địa điểm tổ chức Olympic sẽ giúp người xem cảm nhận được Paris, trong khi người dẫn chương trình của NBC sẽ có thể trả lời các câu hỏi về cuộc thi bằng tìm kiếm AI của Google.
NBCUniversal cũng sẽ sử dụng AI để tạo ra các bản tóm tắt hàng ngày được cá nhân hóa về các sự kiện Olympic, được tường thuật bằng giọng nói tái tạo của bình luận viên thể thao Al Michaels.
NBCUniversal cho biết có thể tạo ra gần 7 triệu phiên bản tóm tắt hàng ngày khác nhau trong suốt thời gian diễn ra Olympic Paris. Công ty truyền thông này có hợp đồng bản quyền phát sóng Thế vận hội và đã trả 7,65 tỷ USD để phát sóng sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này đến năm 2032.
Olympic Broadcasting Services, đơn vị sản xuất nội dung trung lập có thể được các công ty truyền thông trên toàn thế giới sử dụng, cũng đang áp dụng AI để hỗ trợ cắt nhanh một lượng lớn cảnh quay thành những điểm nhấn ngắn gọn, nhưng họ cũng cảnh giác với rủi ro deepfake.
Với tốc độ phát triển nhanh chóng của khả năng AI, có thể không lâu nữa người hâm mộ thể thao châu Âu sẽ được chứng kiến nhiều hơn về công nghệ này.
Young cho biết: “Có lẽ chỉ cần một kỳ Thế vận hội mùa hè nữa là chúng ta sẽ thấy được tác động thực sự”. Thế vận hội mùa hè tiếp theo là Olympic Los Angeles 2028.
Ngọc Ánh (theo Reuters)
Nguồn: https://www.congluan.vn/cach-cac-dai-truyen-hinh-su-dung-ai-tai-olympic-paris-post305171.html