Lừa đảo trên không gian mạng – vấn nạn lớn của xã hội
Trong suốt một thời gian dài, vấn đề lừa đảo trên không gian mạng trở thành vấn nạn lớn của xã hội. Điều đáng nói, nhiều cá nhân tổ chức còn tự ý sử dụng hình ảnh uy tín của các cơ quan báo chí lớn, lợi dụng niềm tin của công chúng với các cơ quan truyền thông quốc gia để nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội Facebook tiếp tục xuất hiện trang Fanpage giả mạo chương trình Táo quân của Đài Truyền hình Việt Nam để tuyển các diễn viên nhí. Theo đó, trang Fanpage có tên “Tìm Kiếm Gương Mặt Nhí Tham Gia Táo Quân 2024” liên tục đăng thông báo tuyển các em thiếu nhi trong độ tuổi từ 5 – 16 có khả năng diễn xuất gửi hồ sơ đăng ký để được lựa chọn tham gia chương trình Táo quân 2024.
Trang Fanpage này còn đưa ra nhiều quyền lợi hấp dẫn khi các em thiếu nhi đến với chương trình như: “catxe của bé khi tham gia chương trình là: 15.000.000 VND + % hoa hồng từ lượt view và rating của chương trình sau khi lên sóng”, “được trở thành thành viên chính thức của VTV – Đài Truyền hình Việt Nam, “được tham gia các job, show truyền hình đều đặn do VTV tổ chức, thực hiện”, “được tặng gói học bổng toàn phần tại các trường đại học nổi tiếng về diễn xuất”. Fanpage này thông báo chương trình Táo quân nhí 2024 được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam vào đêm giao thừa.
Ngay sau đó, Đài Truyền hình Việt Nam khẳng định những nội dung như thông báo được đăng trên Fanpage này là hoàn toàn không chính xác. Đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất chương trình Táo quân là Trung tâm Phim truyền hình (VFC) không có kế hoạch tuyển các diễn viên nhí như thông báo này.
Gần đây, đường dây nóng Báo điện tử VTV News nhận được nhiều phản ánh của độc giả về cuộc thi “Duyên dáng áo dài Việt Nam 2023” với thủ đoạn lừa đảo hết sức tinh vi.
Sau khi nạn nhân liên hệ qua fanpage hoặc nhắn tin với các đối tượng gửi lời mời qua Facebook, Zalo, các đối tượng tự xưng là MC và nhân viên của Đài Truyền hình Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ nạn nhân đăng ký và tham gia vòng sơ tuyển thông qua một nhóm Zalo. Các đối tượng này cũng xây dựng tài khoản giả mạo với profile kèm ảnh của chính các MC, BTV của VTV.
Tại đây, nạn nhân được yêu cầu tham gia các thử thách đơn giản như like fanpage của VTV, click vào đường link… cho đến các nhiệm vụ yêu cầu chuyển khoản thanh toán mua sản phẩm của “nhà tài trợ” và sau đó được hoàn tiền thù lao. Các đối tượng thanh toán thù lao và tiền vốn đầy đủ một vài lần để lấy lòng tin của nạn nhân.
Các đối tượng này cũng thường xuyên dùng giao diện của Báo điện tử VTV News để chèn các thông tin về làm nhiệm vụ, chuyển khoản và nhận tiền hoàn nhằm chiếm lòng tin của các nạn nhân. Thời gian thực hiện nhiệm vụ cũng rất giới hạn, tạo tâm lý thôi thúc nạn nhân thực hiện chuyển tiền. Nạn nhân còn không hề nhận ra mình bị lừa cho đến khi tài khoản cạn kiệt.
Người dùng mạng xã hội cần hết sức thận trọng trước những đối tượng mạo danh cùng lời mời tuyển dụng tương tự để tránh bị lừa đảo tiền bạc, ảnh hưởng tới uy tín của Đài Truyền hình Việt Nam nói chung và Báo điện tử VTV News nói riêng.
Cần mất một giai đoạn, có một độ trễ nhất định để xử lý
Thông thường nói đến Đài Truyền hình Việt Nam, nhiều người dân sẽ hình dung ra một đơn vị có uy tín, tất cả những thông tin Đài Truyền hình Việt Nam đăng tải đều nhận được sự tin tưởng cao. Chính vì việc này mà các đối tượng đã triệt để lợi dụng để người dân dễ nghe theo những cách thức, hoạt động.
Ông Đỗ Thanh Hải – Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, Đài Truyền hình Việt Nam là cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, chúng tôi thường tổ chức các sân chơi đề thu hút khán giả, qua đó giới thiệu được nét đẹp trong đời sống, các hình thức văn hóa văn nghệ phù hợp, nhưng Đài Truyền hình Việt Nam không bao giờ đặt mục tiêu thu phí hay thanh toán, chuyển khoản gì.
Được biết, từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng thực hiện chặn 6135 địa chỉ IP, website, blog độc hại, giả mạo, vi phạm pháp luật; ngăn chặn và xử lý 5998 IP/dải IP có dấu hiệu hoặc bị lợi dụng phát tán thư điện tử rác theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Ngoài ra, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử) đã liên tục phản ánh về tin giả của cơ quan, tổ chức, cá nhân; công bố việc giả mạo các cơ quan báo chí.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, vẫn có tình trạng mạo danh các cơ quan báo chí, tuy không nhiều nhưng vẫn thường xảy ra, các đối tượng mạo danh các cơ quan, tổ chức nhà nước trong đó có cơ quan báo chí.
Trong thời gian qua việc phối hợp xử lý giữa các cơ quan quản lý là khá tốt, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã làm việc với các nền tảng để khi phát hiện ra những trang tin, fanpage dùng danh nghĩa của cơ quan nhà nước, của báo chí mà không được sự cho phép thì sớm ngăn chặn. Hiện nay chúng tôi triển khai việc này rất tốt ở trên nhiều nền tảng.
“Tuy nhiên việc tạo tài khoản, đặt tên luôn dễ dàng, khi phát hiện xử lý lại mất một giai đoạn, có một độ trễ để xử lý. Những cơ quan bị giả mạo sau khi phát hiện cần sớm gửi thông tin về cho Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử để xử lý, đầu tiên vẫn là trách nhiệm của chính cơ quan đó, chính đơn vị đó cần biết được cơ quan mình đang bị mạo danh, làm giả. Hiện nay nhiều cơ quan báo chí sau khi phát hiện cũng đã gửi về cho chúng tôi xử lý, có thể qua kênh là Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam để kịp thời xử lý”, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ.