Chiều 12-9, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Xuân Thành cùng đại diện Sở GD-ĐT các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Cần Thơ và TP Đà Nẵng tham dự Hội thảo khoa học “Xây dựng giải pháp định danh đơn vị kiến thức và thống kê học liệu số cho Chương trình Giáo dục phổ thông 2018”, do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức.
Cần định danh đơn vị học liệu
Mở đầu hội thảo, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc cho biết, Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 với mục tiêu hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá tại các trường phổ thông.
“Nhận thức xu thế tất yếu của toàn ngành, TPHCM đã chủ động triển khai nhiều sáng kiến đổi mới ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục, hướng đến mục tiêu chuẩn hóa quy trình dạy và học một cách đồng bộ, nhất quán từ khâu chuẩn bị bài giảng, quá trình giảng dạy và học tập trực tiếp, kiểm tra và đánh giá kết quả đạt được trong và sau buổi học”, ông Nguyễn Bảo Quốc thông tin.
Theo Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM Hồ Tấn Minh, qua thống kê số liệu, toàn ngành giáo dục và đào tạo TPHCM đã xây dựng được gần 350.000 đơn vị học liệu.
Đại diện Sở GD-ĐT thừa nhận, hiện nay, trên không gian mạng có quá nhiều nguồn học liệu dẫn đến khó khăn cho giáo viên khi tìm kiếm học liệu, không biết nguồn nào đã được chuẩn hóa.
Trong đó, phần lớn học liệu được chia sẻ là bài giảng hoàn chỉnh, được “đóng gói” sẵn và đưa lên hệ thống, không thể tái sử dụng.
Mặc khác, do chưa được hệ thống hóa nên cơ quan quản lý không thể đánh giá học liệu được vận dụng thế nào, giáo viên sử dụng ra sao, không có dữ liệu thông tin về hành vi sử dụng của học sinh, qua đó đánh giá mức độ hiệu quả của học liệu, góp phần phát triển năng lực, phẩm chất gì cho học sinh.
Từ thực tế đó, Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất xây dựng hệ thống định danh đơn vị học liệu, làm cơ sở phát triển kho học liệu dùng chung trong toàn ngành. Khi giáo viên xây dựng bài giảng có thể sử dụng riêng lẻ đơn vị học liệu trong kho dùng chung, vận dụng thêm các công cụ công nghệ thông tin để xây dựng bài giảng phục vụ nhu cầu giảng dạy.
Đánh giá cao đề xuất của TPHCM, PGS-TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, định danh dữ liệu học tập giúp mã hóa dữ liệu, làm cơ sở để chuyển đổi số dữ liệu, qua đó dựng ra “đường phát triển” kiến thức học tập, phục vụ mục tiêu xây dựng chương trình.
Trong đó, việc định danh không dừng ở yêu cầu mang tính kỹ thuật mà cần tính đến các yếu tố khác như giáo viên, học sinh sử dụng như thế nào; các quy định về chỉ số, tiêu chí giúp định lượng biểu hiện năng lực gì của người học.
Hệ thống hóa dữ liệu giúp cung cấp thêm thông tin cho hồ sơ học tập của người học với độ tin cậy cao hơn, thông qua việc truy vết sử dụng, đánh giá được hành vi, mức độ thành thạo, hiệu quả sử dụng học liệu. Đây là một trong những biến số ẩn góp phần đánh giá năng lực người học
– PGS-TS Chu Cẩm Thơ nói
Phát huy tính chủ động của người sử dụng
Trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên nêu thực tế, hiện nay, giáo viên trong toàn ngành rất tích cực xây dựng học liệu số, nhưng do chưa có chuẩn đánh giá nên cơ quan quản lý không thể đánh giá học liệu nào có chất lượng, học liệu nào chưa đáp ứng yêu cầu.
Đại diện Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức đề xuất, cần có 2 loại học liệu số là học liệu hoàn chỉnh để giáo viên không mất nhiều thời gian sử dụng, song có thêm học liệu đơn lẻ nhằm cung cấp nguyên liệu cho giáo viên chủ động xây dựng bài giảng với khả năng sáng tạo riêng.
PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) thừa nhận, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, giáo viên và học sinh chỉ cần một cú nhấp chuột có thể tìm kiếm được rất nhiều thông tin.
Do đó, kho học liệu dùng chung không chỉ đáp ứng yêu cầu đủ dùng mà phải được chuẩn hóa, phù hợp nhu cầu sử dụng, dễ tiếp cận, có khả năng chia sẻ và chuyển giao, đồng thời tiết kiệm thời gian cho người sử dụng.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học đánh giá cao sáng kiến của TPHCM trong việc đi đầu xây dựng hệ thống định danh và tiêu chuẩn đánh giá học liệu, nhằm tăng tính ứng dụng trong thực tế, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng học liệu.
Học liệu được xây dựng cần bám sát nội dung chương trình từng môn học. Trong quá trình xây dựng đơn vị học liệu, hệ thống phân hóa rõ học liệu gắn với yêu cầu thao tác gì, qua đó hình thành năng lực gì cho người học, đáp ứng yêu cầu cần đạt gì của chương trình
– PGS-TS Nguyễn Xuân Thành nêu ý kiến
Ghi nhận tất cả ý kiến đóng góp, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, sở sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo xây dựng hệ thống định danh đơn vị học liệu và hoàn thiện bộ tiêu chí định danh.
Sau đó, tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, đơn vị liên quan để hoàn thiện bộ tiêu chí, tạo nguồn học liệu mở đạt chuẩn giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả chuyển đổi số ở các trường học.
THU TÂM
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/bo-gd-dt-danh-gia-cao-de-xuat-xay-dung-he-thong-dinh-danh-hoc-lieu-cua-tphcm-post758619.html