Sáng 7/1/2025 Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Chiến lược phát triển ngành sữa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (Chiến lược).
Hội nghị lấy ý kiến về Chiến lược phát triển ngành sữa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với sự tham dự và chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, cùng lãnh đạo Cục Công nghiệp, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Hiệp Hội sữa Việt Nam; đại diện một số doanh nghiệp sữa…
Phát triển ngành công nghiệp sữa phải dựa trên ngành chăn nuôi bò sữa
Chiến lược được xây dựng với mục tiêu từng bước xây dựng ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam phát triển bền vững từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến sữa thành phẩm. Kết hợp với đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao năng suất, chất lượng cũng như giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và tham gia ngày càng sâu trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sữa khu vực toàn cầu.
Bộ Công Thương tiếp tục lấy ý kiến về Chiến lược phát triển ngành sữa |
Theo mục tiêu của dự thảo Chiến lược hiện đang đặt ra đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng ngành sữa bình quân hàng năm đạt từ 4,0-4,5%/năm, lượng sữa đạt 40 lít/người/năm; đến năm 2050 tốc độ chỉ còn là 3,0-3,5% và phấn đấu lượng sữa đạt khoảng 58 lít/người/năm.
Góp ý tại hội thảo, ông Ngô Minh Hải – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cho biết: ất cần thiết phát triển ngành công nghiệp sữa dựa trên ngành chăn nuôi bò sữa.
“Tuy nhiên, mục tiêu đến năm 2030 đạt 40 lít sữa/người/năm mức tăng trưởng 4- 4,5% thì cần làm rõ tăng trưởng sữa tươi và sữa bột (nhập khẩu) như thế nào, hiện chúng ta chưa đủ nguồn nguyên liệu làm sữa bột”- ông Hải nhấn mạnh.
Theo ông Ngô Minh Hải: Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp sữa thì các tập đoàn lớn, doanh nghiệp lớn phải tham gia vào đầu tàu dẫn dắt ngành công nghiệp này và các nông hộ cũng sẽ đi theo. Về dư địa còn rất lớn không chỉ những đất đai nông trường, thậm chí đất ở những vùng xa xôi hơn như ở khu vực biên giới cũng có thể phát triển chăn nuôi bò sữa, vừa đáp ứng mục tiêu kép bảo vệ an ninh biên giới và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên nhược điểm là thiếu cơ sở hạ tầng do vậy nhà nước phải tập trung đầu tư để khuyến khích lôi kéo doanh nghiệp lớn. “Chỉ có doanh nghiệp lớn làm với vai trò đầu tàu dẫn dắt thì ngành bò sữa mới phát triển. Nếu cứ để nông hộ phát triển thì dần sẽ mai một đi, phải có chiến lược phù hợp để phát triển”, ông Ngô Minh Hải nhấn mạnh và cho biết, ngành bò sữa hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho thị trường trong nước nên cần phải tập trung vào thị trường trong nước và có chiến lược đúng thay vì cứ để doanh nghiệp nhập khẩu sữa bột thì không thể thúc đẩy ngành bò sữa. Do vậy chính sách phải làm sao hướng cho các tập đoàn, doanh nghiệp tập trung vào ngành chăn nuôi bò sữa.
Ông Ngô Minh Hải – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH |
“Một người chăn nuôi bò sữa kéo theo 3 lao động khác về cung cấp thức ăn, nguyên liệu, vận chuyển, chế biến và các dịch vụ khác đi theo để phục vụ người chăn nuôi bò sữa như vậy để phát triển ngành công nghiệp bò sữa tốt hơn”- ông Hải chia sẻ.
Ông Hải cho rằng, phải có chính sách mạnh mẽ hơn, nếu mức tăng trưởng từ nay đến năm 2030 chỉ ở mức 4-5% sẽ không có gì đột phá, phải ở mức 7-8%, như vậy đối với các doanh nghiệp tham gia phải nỗ lực hơn để đạt được mục tiêu này.
Đến năm 2050 đối với một đất nước phát triển ở mức cao, tiêu thụ sữa các loại phải trên 100 lít/người, còn mục tiêu đang đặt ra 58 lít/người/năm thì quá ít. “Nên cần điều chỉnh, từ đó sẽ có chủ trương, chính sách có như vậy ngành chăn nuôi bò sữa mới phát triển”– ông Hải khẳng định.
Cần có chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp
Góp ý về các danh mục, dự án đầu tư, đại diện Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, là doanh nghiệp có 15 trang trại bò sữa ở trong và ngoài nước với 16 nhà máy chế biến có công nghệ hiện đại nhất thế giới, tuy nhiên doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi đầu tư ra nước ngoài, thời gian cấp phép quá lâu, và hiện chưa có hướng dẫn cho doanh nghiệp về quy trình, thủ tục đầu tư ra nước ngoài; khó khăn trong việc hỗ trợ cơ quan nhà nước làm việc với cơ quan nước ngoài trong kiểm dịch hàng hóa… Do vậy rất cần có chính sách tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp.
Hội nghị cũng đã nhận được ý kiến của các doanh nghiệp sữa trong việc đề xuất cần quy định chính sách ưu đãi để phát triển ngành công nghiệp sữa theo hướng đồng bộ từ hoạt động chăn nuôi, hỗ trợ doanh nghiệp về quỹ đất trong phát triển bò sữa; cần phải tính toán xem xét lại mục tiêu đối với phát triển sữa tươi và sữa bột sao cho hợp lý hơn… Các doanh nghiệp cho rằng, nếu không có chính sách hỗ trợ thì rất khó cho ngành chăn nuôi bò sữa phát triển, trong điều kiện thiếu hụt nguyên liệu, thiếu hụt đất đai, thậm chí thiếu hụt cả nguồn nước.
Thứ trưởng Trương Thanh Hoài kết luận hội nghị |
Các doanh nghiệp cũng đề xuất Bộ Công Thương và các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền Người Việt Nam ưu tiên dùng sữa Việt Nam cũng như có những quy định, chính sách để các đối tượng là công nhân lao động tại các khu vực sản xuất công nghiệp đặc biệt tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp có thể thuận lợi tiếp cận sử dụng sữa, đảm bảo sức khỏe cho người lao động…
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cảm ơn các ý kiến đóng góp từ Hiệp hội, doanh nghiệp và cho rằng ý kiến của các doanh nghiệp hết sức xác đáng.
Thứ trưởng đề nghị Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương tiếp thu và tiếp tục hoàn thiện Chiến lược đồng thời đề nghị Cục Công nghiệp đẩy nhanh công tác xây dựng Nghị định về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh sữa.
Dự thảo Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành sữa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo, dự kiến sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong quý I/2025 |
Nguồn: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-tiep-tuc-lay-y-kien-ve-chien-luoc-phat-trien-nganh-sua-368349.html