Sau những ngày nghỉ Tết đầm ấm, vui vẻ, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hăng hái xuống đồng, ra vườn khai xuân. Điều này không chỉ giúp bảo đảm kịp khung thời vụ mà còn là nét đẹp lao động trong văn hóa Việt Nam, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Ngay sau Tết, bà con nông dân xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) khẩn trương xuống đồng gieo cấy lúa xuân. |
Tại cánh đồng các xóm Chí Son, Gốc Thị, Bờ Suối, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), những ngày này, bà con nông dân đang tất bật làm đất, chở mạ xuống cấy.
Anh Hoàng Văn Thọ, ở xóm Bờ Suối, cho biết: Hiện nay, nguồn nước phục vụ sản xuất có phần khó khăn nên khi có lịch thông báo lấy nước, bà con đều tranh thủ xuống đồng làm một mạch cho xong. Nhà tôi có 5 sào ruộng nằm rải rác trên các cánh đồng. Năm ngoái, năng suất, sản lượng lúa không đáng kể do bị ảnh hưởng bởi bão lũ, dịch bệnh. Năm nay, gia đình tôi cùng bà con ở đây gieo cấy toàn bộ bằng giống lúa mới (giống lúa Nhật JO1), hy vọng sẽ có một mùa vụ tốt tươi.
Nam Hòa là xã có diện tích lúa lớn của huyện Đồng Hỷ, với cánh đồng sản xuất tập trung rộng trên 100ha. Đây cũng là xã đầu tiên của huyện thực hiện thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng 1 giống từ năm 2016.
Từ đó đến nay, chính quyền địa phương đã chỉ đạo nhân dân các xóm có diện tích cấy lúa tập trung duy trì sản xuất 1 loại giống theo từng vụ, trong đó các giống lúa Nhật JO1, JO2 được bà con gieo cấy nhiều trong những năm gần đây.
Dù trong những ngày nghỉ Tết nhưng bà con vẫn thường xuyên ra thăm đồng, duy trì việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Tết Nguyên đán năm nay đến sớm, trùng với thời điểm các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển mạnh nên việc chăm sóc càng được quan tâm hơn.
Nhìn ruộng dưa bao tử đang vươn xanh tốt, đua nhau ra trái, anh Vi Văn Quý (xóm Là Dương, xã Lâu Thượng, Võ Nhai) phấn khởi nói: 3 năm nay, với trên 1 mẫu ruộng tôi chuyển dần từ cấy lúa sang liên kết với doanh nghiệp trồng dưa chuột bao tử. Loại cây này phù hợp với đồng đất nơi đây, ngắn ngày (khoảng 4 tháng), dễ trồng, chăm sóc, ít sâu bệnh. Nếu chăm sóc tốt, cây cho ra quả thường xuyên, năng suất trung bình đạt 1,3 tấn quả/sào, trừ chi phí thu về gần 12 triệu đồng/sào. Dưa bao tử có thể trồng được quanh năm. Vụ dưa đông vào dịp Tết nên bà con vui Tết nhưng vẫn chăm sóc ruộng dưa.
Thấy mô hình hiệu quả, nhiều nông dân quanh vùng cũng đăng ký trồng, đến nay có khoảng 30 hộ dân tại Lâu Thượng tham gia trồng với diện tích gần 5ha. Theo ghi nhận của chúng tôi từ mùng 4 Tết, bà con đã khai xuân, “khai ruộng” làm đất, xuống giống để bắt đầu một vụ dưa mới, mở rộng diện tích thêm hơn 3ha.
Bà Nguyễn Thị Chinh (ở tổ 4, phường Cam Giá, TP. Thái Nguyên) cắt tỉa hoa đào sau Tết, hy vọng vào vụ đào mới sẽ cho thu nhập cao. |
Sau Tết, tại các vườn hoa, cây cảnh trên địa bàn TP. Thái Nguyên cũng nhộn nhịp không khí lao động sản xuất. Thời điểm này, bà con nông dân Làng nghề hoa đào Cam Giá bắt đầu đổ thêm đất mới, bón phân, vun tưới, tỉa cành để vào vụ hoa, cây cảnh mới, phục vụ nhu cầu của thị trường; vận chuyển những gốc đào cho thuê sau thời gian trưng bày dịp Tết từ các nơi về chăm sóc.
Ông Trần Công Trường, ở tổ 4, phường Cam Giá, chia sẻ: Tôi và hai người anh em nữa trồng đào được 4 năm nay với diện tích 10 sào, khoảng 200 gốc. Năm 2024 là một năm vô cùng khó khăn với người trồng đào, do ảnh hưởng bởi bão lũ nên nhiều cây bị chết. Những cây còn lại chăm được đẹp đã khó, đến khi bán lại càng khó hơn do tâm lý chung của mọi người là đào hiếm nên đắt. Vụ Tết vừa rồi, chúng tôi hòa vốn là vẫn còn may mắn hơn so với nhiều người trồng đào trong làng nghề.
Toàn tỉnh hiện có trên 301.000ha đất nông nghiệp, trên 160.000 hội viên nông dân, chiếm 86,2% so với tổng số hộ làm nông nghiệp.
Những năm qua, nhờ nỗ lực sản xuất, đầu tư đúng hướng cho các loại cây trồng chủ lực, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, việc sản xuất của bà con nông dân có chuyển biến tích cực, giá trị thu được trên đất nông nghiệp ngày càng tăng. Tuy nhiên, năm 2024 là một năm đầy khó khăn với phần đông người nông dân khi gặp thiên tai, dịch bệnh.
Dẫu thời tiết càng ngày càng khắc nghiệt, đặt ra nhiều khó khăn, thử thách với người nông dân, song không vì thế mà họ bỏ cuộc. Các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vẫn đang từng ngày nỗ lực sản xuất, học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nâng cao giá trị sản phẩm; đặt niềm tin và kỳ vọng vào một năm mới với nhiều bội thu, góp phần vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202502/khai-xuan-ruong-vuon-cung-nong-dan-63f258c/
تعليق (0)