Tôi rất thích ăn hoa quả, đồ chiên rán, nước ngọt… Vậy nên tiêu thụ đồ ăn vặt thế nào để không béo phì, ảnh hưởng sức khỏe? (Hồng, 29 tuổi, Hà Nội)
Trả lời:
Những đồ ăn vặt không lành mạnh luôn có sức cám dỗ mãnh liệt. Để ăn vặt lành mạnh, không béo, đầu tiên, bạn cần nhận diện bản thân muốn ăn vặt vì thèm hay là vì đói.
Nếu đói, có thể do bữa chính bạn ăn không đủ hoặc bữa ăn thiếu cân bằng dưỡng chất. Thay vì ăn vặt, bạn hãy ăn một bữa phụ với khẩu phần bằng 1/2 bữa chính, chỉ có rau củ và protein.
Nếu muốn ăn vì thèm, cố gắng nghĩ xem điều gì kích thích cơn thèm của bạn, ví dụ đồ ngọt hay mặn hay chua, hoặc đơn giản thấy người khác ăn. Khi nhận diện rõ, bạn có thể ăn nhưng cần lưu ý một số điểm sau: Đồ ăn vặt không chứa các nguyên liệu có hại sức khỏe, bao gồm đường, tinh bột tinh chế, chất béo chuyển hóa (transfat), chất tạo ngọt. Nếu có tinh bột, hãy chọn loại có tinh bột nguyên cám như yến mạch, quinoa, các loại hạt dinh dưỡng, ngũ cốc nguyên cám.
Với trái cây, rau củ, hãy chọn loại không đường hoặc rất ít đường như dưa gang, cam, chanh, quýt, bưởi. Tránh ăn sầu riêng, chôm chôm, xoài, mít; tránh rau củ nhiều tinh bột như bí đỏ, khoai tây.
Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng lượng đồ ăn vặt mỗi lần của bạn vừa trong một nắm tay.
Đặc biệt, hai thời điểm ăn vặt ít ảnh hưởng tới giảm cân nhất chính là ngay sau bữa ăn chính và trước tập thể dục. Lý do bởi ngay sau bữa ăn chính, nếu bạn đã ăn một bữa chuẩn với rất nhiều rau củ, việc nhâm nhi chút đồ ăn vặt tráng miệng sẽ giảm bớt tác hại hơn. Ăn vặt trước khi tập luyện cũng tránh bị đói, giảm nguy cơ tụt đường huyết.
Bạn có thể tham khảo một số đồ ăn vặt không gây béo, như: ngũ cốc ăn kèm hạt sữa, đậu tươi luộc, một nắm hạt các loại, sinh tố trái cây, rau củ, các thức uống giàu protein như whey protein…
Bác sĩ Phan Thái Tân
Huấn luyện viên sức khỏe giảm cân HomeFiT