Giữ ấm cơ thể, uống nước ấm, tập thể dục, ngủ đủ giấc giúp tăng cường sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh hô hấp khi nhiệt độ hạ đột ngột.
Miền Bắc đang giao mùa Đông Xuân. Thời tiết lạnh, ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc gây bệnh phát triển. Chúng dễ dàng thâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp khi hít thở.
Bác sĩ Trần Duy Hưng, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nhu cầu giao thương, du lịch, lễ hội giáp Tết Nguyên Đán tăng cao làm tăng nguy cơ lây lan cúm, sởi, rubella, Covid-19… Trẻ nhỏ, người cao tuổi, mắc bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, sử dụng corticoid kéo dài), sức đề kháng yếu, dễ mắc bệnh.
Người bệnh mạn tính như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), cúm, cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi… dễ tái phát đợt bệnh cấp tính, diễn tiến nặng.
Bác sĩ Hưng gợi ý những cách phòng lây nhiễm bệnh hô hấp khi nhiệt độ giảm thấp.
Giữ ấm cơ thể
Thời tiết lạnh khiến mạch máu dưới da co lại, hạn chế lượng máu lưu thông, lớp nhầy bảo vệ niêm mạc đường hô hấp khô, làm giảm sức đề kháng. Đây là cơ hội cho các loại virus, vi khuẩn, nấm dễ dàng xâm nhập vào mũi, miệng và gây bệnh.
Mỗi người nên giữ ấm vùng mũi, cổ, ngực bằng cách mặc áo cao cổ hoặc choàng khăn. Không nên mặc phong phanh khi trời lạnh, ngay cả khi ở trong nhà. Mặc nhiều lớp quần áo mỏng thay vì quần áo quá dày, giảm khó chịu, tránh gió luồn vào cơ thể. Phụ huynh cần chú ý lau mồ hôi cho trẻ để hạn chế thấm ngược lại cơ thể. Trang bị dụng cụ sưởi hoặc lò sưởi giúp làm ấm không khí trong nhà. Tuyệt đối không đốt củi, sưởi than trong không gian kín để đề phòng ngạt khí.
Giữ ấm bàn chân bằng cách đeo tất, đi giày đế dày và có tấm lót. Ngâm chân bằng nước ấm pha kèm thảo dược như gừng, tinh dầu tràm, bạc hà… hoặc một chút muối ăn khoảng 10-15 phút trước khi ngủ nhằm làm giãn mạch máu vùng chân, thúc đẩy lưu thông máu, ấm cơ thể, ngủ ngon hơn.
Nhiệt độ nước khoảng 40-50 độ C, không nên dùng nước quá nóng. Tránh ngâm chân trong vòng 30 phút sau bữa ăn để cơ thể tập trung tiêu hóa thức ăn hiệu quả. Phụ nữ trong những ngày hành kinh, người có bệnh tim mạch không ngâm chân.
Uống nước ấm
Cơ thể thiếu nước khiến lớp màng nhầy bảo vệ niêm mạc đường hô hấp bị khô, ảnh hưởng đường thở. Uống đủ nước giúp máu lưu thông tốt, giảm kích ứng, khô họng, loãng dịch đờm. Uống nước ấm và hít hơi nước ấm có thể khai thông đường thở. Ngược lại, dùng nước lạnh dễ khiến niêm mạc đường hô hấp co lại hoặc sưng lên, xung huyết, virus, vi khuẩn dễ tấn công và gây bệnh.
Bác sĩ Hưng khuyến cáo người trưởng thành nên uống khoảng 2-3 lít nước mỗi ngày, chia làm nhiều lần. Ưu tiên nước lọc, nước ép trái cây, canh rau củ hoặc các loại trà thảo mộc như trà gừng, mật ong chanh sả. Hạn chế tối đa bia rượu, cà phê.
Tập thể dục
Tập thể dục thể thao khoảng 20-30 phút mỗi ngày giúp cơ thể dẻo dai, lưu thông khí huyết, tăng cường miễn dịch. Vận động góp phần giữ cân nặng hợp lý, giảm nguy cơ béo phì, hội chứng ngưng thở khi ngủ…
Một số hoạt động ngoài trời tốt cho sức khỏe như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi, đá bóng, cầu lông… Nếu thời tiết lạnh không thể ra ngoài, bạn có thể thay thế bằng bài tập yoga, tập gym, bóng bàn.
Tăng cường rau xanh
Chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng dưỡng chất giúp nâng cao thể trạng, giảm nguy cơ mắc bệnh. Thực đơn cuối năm đa dạng nhưng không phải thực phẩm nào cũng có nhiều giá trị dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe.
Ưu tiên ăn trái cây tươi, rau xanh chứa nhiều vitamin C hỗ trợ bảo vệ cơ thể chống lại tác hại từ gốc tự do, hóa chất độc hại, chất ô nhiễm, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp. Một số loại rau quả có thể tham khảo như ớt, cải xoăn, bông cải xanh, ổi, trái cây họ cam quýt, kiwi.
Rau củ quả giàu vitamin A như khoai lang, cà rốt, cà chua, đu đủ… hỗ trợ tái tạo biểu mô đường hô hấp, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh. Ngũ cốc, hải sản, trứng, đậu giàu protein góp phần tăng cường khả năng phòng vệ của cơ thể.
Để đảm bảo sức khỏe tổng thể, mọi người nên hạn chế ăn nhiều đồ ngọt như bánh kẹo, mứt Tết, đồ ăn chế biến sẵn hoặc thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật.
Ngủ đủ giấc
Thiếu ngủ gây suy giảm miễn dịch, tăng viêm nhiễm trong cơ thể. Một nghiên cứu của Đại học California, Mỹ, và một số đơn vị, đăng trên Thư viện y khoa PubMed năm 2015, trên 164 đàn ông và phụ nữ khỏe mạnh (từ 18 đến 55 tuổi) cho thấy người ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm có nguy cơ cảm lạnh cao gấp 4,5 lần so với người ngủ nhiều hơn 7 giờ. Người ngủ 5-6 giờ mỗi đêm có nguy cơ cao hơn 4,2 lần. Để hệ miễn dịch hoạt động tốt nhất, người trưởng thành cần ngủ từ 7 giờ trở lên mỗi đêm.
Giữ gìn vệ sinh
Theo bác sĩ Hưng, thời điểm giao mùa Đông Xuân, ở các tỉnh phía Bắc ngày ngắn đêm dài, số giờ có ánh sáng mặt trời trong ngày ít, làm giảm cơ hội tia cực tím tiêu diệt vi sinh vật có hại trong môi trường. Thời tiết lạnh khiến mọi người có xu hướng ở trong nhà nhiều hơn, đóng kín cửa để tránh khí lạnh xâm nhập. Không khí trong nhà kém lưu thông là yếu tố thuận lợi cho các dị nguyên gây dị ứng tồn tại lâu, tăng cơ hội thâm nhập vào cơ thể, gây bệnh.
Để tránh nhiễm bệnh dịp Tết, mỗi người cần giữ gìn vệ sinh cá nhân và không gian sống sạch sẽ. Lau chùi, hút bụi trong nhà; thường xuyên thay vỏ ga, gối, giặt rèm cửa. Vệ sinh các bề mặt dùng chung như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, điều khiển tivi bằng dung dịch cồn sát khuẩn.
Giữ gìn vệ sinh thân thể, đeo khẩu trang khi ra ngoài, nhất là đến nơi đông người hoặc khi tiếp xúc gần với người có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi… Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn sau khi trở về từ nơi công cộng, trước và sau khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh, ho hoặc xì mũi, chạm vào động vật.
Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi để tránh phát tán virus, vi khuẩn ra không khí. Tránh đưa tay lên mắt, mũi miệng. Súc họng, miệng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch nước súc miệng chuyên dụng hàng ngày.
Tránh xa khói thuốc
Hút thuốc hay hít phải khói thuốc thụ động đều có thể khiến phế nang mất tính đàn hồi, dung tích phổi thu hẹp, tê liệt lông mao, chất nhầy và chất độc tích tụ trong phổi. Tiếp xúc lâu dài với khói thuốc gây khó thở, ho dai dẳng, tăng nguy cơ viêm phế quản, viêm phổi.
Tiêm phòng vaccine
Tiêm vaccine là phương pháp chủ động phòng ngừa lây nhiễm bệnh hô hấp. Người được tiêm chủng vaccine sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh từ môi trường như rhinovirus (gây viêm họng, cảm lạnh), virus Influenza (gây cúm), virus thủy đậu, sởi, rubella.
Trịnh Mai
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |