Việc xây dựng mô hình thôn thông minh được huyện Yên Khánh xác định là tiền đề hướng tới mục tiêu nông thôn thông minh, góp phần xây dựng địa phương ngày càng văn minh, hiện đại, thu hẹp dần khoảng cách với thành thị.
Xã Khánh Nhạc là một trong số xã được huyện Yên Khánh triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số. Trong quá trình thực hiện, xã lựa chọn thôn 4B làm điểm xây dựng mô hình thôn thông minh, sau đó đánh giá kết quả thực hiện để rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng.
Ông Mai Trọng Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc cho biết: Xác định xây dựng thôn thông minh là một trong những nội dung quan trọng của chuyển đổi số, giúp nhân dân dễ dàng tiếp cận công nghệ, nâng cao chất lượng đời sống. Để thực hiện có hiệu quả, xã Khánh Nhạc đã phối hợp với huyện mở lớp tập huấn kiến thức cho cán bộ, đảng viên và nhân trong thôn, hỗ trợ lắp đặt wifi miễn phí, camera an ninh…
Theo ông Nguyễn Văn Bằng, Bí thư Chi bộ thôn 4B, xã Khánh Nhạc, từ khi thực hiện thôn thông minh cho thấy rất hiệu quả và tiện lợi. Như trước đây,. khi thông báo về các sự kiện, hội họp, thôn 4B đều sử dụng loa truyền thanh hoặc giấy mời rất mất thời gian. Giờ đây ứng dụng công nghệ số, thành lập các nhóm zalo, người dân nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng, tiện lợi. Tại Nhà văn hóa thôn đã lắp đầy đủ hạ tầng thông tin, truyền hình cáp để họp trực tuyến, phục vụ nhân dân làm các dịch vụ công trực tuyến, Hiện thôn có trên 90% người dân sử dụng điện thoại thông minh, trên 70% gia đình lắp camera an ninh giám sát.
Chị Đinh Thị Mai, thôn 4B, xã Khánh Nhạc cho biết: Ở nông thôn hiện giờ cũng gần như thành thị. Việc mua bán, trao đổi hàng hóa phần nhiều qua điện thoại thông minh, trên môi trường mạng Internet. Nhà tôi lắp đặt wifi để sử dụng các dịch vụ, thông tin truyền thông. Đặc biệt, trước đây, người dân trong thôn, xã chỉ sử dụng tiền mặt để đi chợ mua bán, trao đổi, giao thương hàng hóa. Khi được Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn, giờ đây ở chợ, các cửa hàng tạp hóa hầu hết đều có mã QR để thanh toán điện tử, không còn nhiều người dùng tiền mặt như trước kia.
Xã Khánh Cư là một trong 2 xã được huyện Yên Khánh triển khai thí điểm xây dựng mô hình xã thông minh để nhân ra diện rộng. Trong quá trình thực hiện, xã đã triển khai toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống, xác định người dân phải là chủ thể, là động lực và là mục tiêu của chuyển đổi số. Do đó xã quan tâm đến công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức, giúp nhân dân được tiếp cận dễ dàng với các nền tảng số và sử dụng các dịch vụ trở thành nhu cầu thiết yếu, đem lại lợi ích thiết thực, thuận lợi trong đời sống.
Ông Đinh Văn Linh, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Xuân Dương 2 cho biết: Từ tháng 4/2023, xã Khánh Cư đã chọn thôn Xuân Dương 2 để xây dựng thôn thông minh. Thôn có 285 hộ với 738 khẩu. Khi bắt tay vào xây dựng thôn thông minh, cán bộ thôn được tập huấn, học tập nâng cao trình độ công nghệ số, nên đã đi đầu trong việc ứng dụng các nền tảng số để thông tin, đồng thời tuyên truyền sâu rộng đến người dân trong thôn về sử dụng điện thoại thông minh, ngươi dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử…
Hiện thôn Xuân Dương 2 đã có hạ tầng Internet cáp quang và thông tin di động 4G/5G bao phủ đến hộ gia đình; có các nhóm/tổ công nghệ số cộng đồng tương tác, hỗ trợ nhau trong thôn. Có 100% nhà ở cá nhân, hộ gia đình trong thôn được gắn mã địa chỉ số trên nền tảng bản đồ số, có mạng wifi miễn phí tại nhà văn hóa thôn. Cùng với đó, tại thôn có hơn 85% người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh; trên 70% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử. Hiện thôn Xuân Dương 2 đã đạt các tiêu chí trong xây dựng mô hình thôn thông minh.
Ông Nguyễn Xuân Tứ, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Cư cho biết: Qua hơn 1 năm thực hiện thí điểm, đến nay, chính quyền xã đã ứng dụng triệt để công nghệ số vào công tác quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành. 100% cán bộ, công chức xã đã sử dụng thành thạo các ứng dụng, phần mềm quản lý văn bản điện tử, chữ ký số. 11/11 thôn, xóm ở xã Khánh Cư đều đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng và hoạt động hiệu qua. Hầu hết các quán ăn, cửa hàng tạp hóa đều có mã QR để thanh toán hóa điện tử.
Ông Phạm Văn Phụ, Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Yên Khánh cho biết: Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống đang ngày càng phổ biến ở khu vực nông thôn. Hiện hầu hết các gia đình trong thôn đều có ít nhất 1 điện thoại thông minh, nhà nhà đều lắp đặt mạng internet tốc độ cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện thôn thông minh, công dân số trong thời đại công nghệ hiện nay.
Năm 2023, huyện Yên Khánh tiếp tục chọn 4 thôn tại các xã để xây dựng mô hình điểm thôn thông minh. Qua gần 5 tháng thực hiện, cán bộ thôn đã được tập huấn ứng dụng các nền tảng số để thông tin, tuyên truyền đến người dân trong thôn. Hầu hết nhân dân được tiếp cận thông tin mới một các chính xác, thuận tiện qua trang thông tin của thôn trên mạng xã hội. Do được tập huấn, hướng dẫn nên trên 95% người dân đã cài đặt tài khoản định danh điện tử, sử dụng thành thạo máy tính và điện thoại thông minh để thực hiện các giao dịch trên môi trường mạng.
Hiệu quả bước đầu của mô hình điểm “Thôn thông minh” là cơ sở để huyện Yên Khánh nhân ra diện rộng, tạo tiền đề để xây dựng xã nông thôn mới thông minh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, kéo gần hơn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị. Thời gian tới, huyện Yên Khánh tiếp tục hướng dẫn, khuyến khích người dân tiếp cận các nền tảng công nghệ số, phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên môi trường mạng, hướng đến xây dựng nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại.
Bài, ảnh: Hạnh Chi