Nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân, mới đây, trong dự thảo Luật Nhà ở xã hội (sửa đổi), ban soạn thảo dự án luật đã đề xuất cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư các dự án này.
Tuy nhiên, đề xuất này đang có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Đa phần, các ý kiến đồng ý cho rằng, đề xuất này là cần thiết để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân vốn đã rất thấp.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA) cho rằng, việc dự thảo Luật Nhà ở cho phép Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là phù hợp.
Bởi Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có vai trò phối hợp với Chính phủ và các địa phương chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.
Dù vậy, ông Châu cho rằng, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không nên trực tiếp làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.
“Thay vào đó, các tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh bất động sản thuộc Tổng Liên đoàn lao động và Liên đoàn lao động cấp tỉnh hội đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì có thể được lựa chọn làm chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong và ngoài khu công nghiệp”, ông Châu cho biết.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng không nên quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Các ý kiến cho rằng đây là vấn đề mới, còn nhiều nội dung chưa được làm rõ, quá trình thí điểm thời gian qua còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật.
Trước đó, trong Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lo ngại Tổng Liên đoàn Lao động không có lực lượng đủ mạnh để đảm nhiệm vai trò chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.
Theo ông Phương, Tổng Liên đoàn Lao động nên làm đúng chức năng của của tổ chức chính trị xã hội (giám sát, phản biện, xã hội, tham mưu về chính sách). Tổng Liên đoàn Lao động là đại diện cho quyền làm chủ của công nhân nhưng không có nghĩa là bất cứ cái gì cũng làm.
Ngoài ra theo ông Phương, Tổng Liên đoàn Lao động cũng không có nguồn lực khi tiền của nhà nước, trong khi không có nhân sự để làm.
“Phải tính kỹ vấn đề này bởi nếu làm khi không hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ có thể bị xử lý vi phạm”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.