Hóc dị vật hay xảy ra ở trẻ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, phụ huynh có thể thực hiện thủ thuật Heimlich, phương pháp vỗ lưng ấn ngực để xử trí kịp thời.
ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết mỗi dịp Tết, số trẻ bị hóc dị vật đường thở thường gia tăng. Nguyên nhân phổ biến là do trẻ được ăn nhiều loại kẹo, hạt như hạt dưa, hướng dương, mắc ca, hạt dẻ.
Trẻ em đùa giỡn trong khi ăn, vừa ăn vừa cười, dẫn đến bị sặc hoặc tò mò, tự nuốt các đồ vật kích thước nhỏ cũng dẫn đến hóc dị vật đường thở.
Dấu hiệu hóc dị vật bao gồm tím tái tức thì, nôn, ho sặc sụa dữ dội, khó thở, hoảng loạn. Một số trẻ lớn có thể ra dấu hiệu bị nghẹn ở cổ với mọi người xung quanh.
Hầu hết trường hợp hóc dị vật đều có thể xử trí an toàn nếu trẻ được đưa đến cơ sở y tế kịp thời. Trường hợp dị vật lớn, chẹn toàn bộ đường thở, dễ dẫn đến suy hô hấp, dọa ngưng tim, ngưng thở, đe dọa tính mạng. Do đó, nhận biết sớm và xử trí đúng cách khi trẻ hóc dị vật rất quan trọng. Bác sĩ Hằng gợi ý một số cách sau:
Nếu trẻ còn hồng hào, khóc, la hét và nói được, ba mẹ cần đặt trẻ ở tư thế ngồi thở, giữ yên trẻ, sau đó đưa đến bệnh viện để khám và gắp dị vật ra.
Phụ huynh không tự can thiệp hay tự móc dị vật ra nếu không thể thấy dị vật nằm đâu trong đường thở, vì nhiều khả năng khiến dị vật thụt vào sâu hơn.
Nếu trẻ tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu, nhanh chóng gọi cấp cứu và tiến hành thủ thuật.
Trẻ dưới 2 tuổi: Phương pháp vỗ lưng ấn ngực
Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái.
Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.
Nếu trẻ còn khó thở, tím tái, bạn lật ngửa trẻ sang tay phải, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái.
Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.
Trẻ lớn: Thủ thuật Heimlich
Nếu trẻ còn tỉnh:
Đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ.
Nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới mũi xương ức, phía trên rốn.
Ẩn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.
Trẻ hôn mê:
Để trẻ nằm ngửa, quỳ xuống dạng hai chân cạnh đùi của trẻ.
Đặt gót một lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất.
Ẩn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên.
Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.
Bác sĩ Hằng khuyến cáo dù trong bất kỳ trường hợp nào, phụ huynh cũng nên hô hào để kêu gọi sự chú ý, nhờ mọi người hỗ trợ sơ cứu và liên hệ nhân viên y tế khi cần thiết. Sau khi lấy được dị vật, phụ huynh vẫn phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Để phòng ngừa dị vật lọt vào đường thở, các gia đình chú ý không cho trẻ chơi các đồ chơi kích thước nhỏ. Không nên để trẻ dưới ba tuổi tự cầm nắm, bốc các loại hạt ăn vì rất dễ bị hóc hoặc trẻ nhét vào lỗ mũi khi chơi. Các loại thạch cũng không an toàn cho trẻ dưới 5 tuổi.
Không để trẻ nhỏ tự ăn thịt cá, gà, vịt, heo chưa tách xương. Nhiều gia đình thường có xu hướng cho trẻ tự cầm đùi gà gặm ăn. Tuy nhiên, cách ăn này dễ gây hóc xương do khi chặt gà vịt vụn xương còn dính lại trên thịt.
Khánh Ngọc
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |