Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, 2023 là năm bùng nổ các ứng dụng AI, đưa trợ lý ảo đến từng người dân.
“2023 là năm sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, để giải các bài toán cụ thể của Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói tại Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023, sáng 10/10 ở Hà Nội. “Ước mơ mỗi người dân, mỗi cán bộ công chức, viên chức một trợ lý riêng, ước mơ trao thêm quyền năng tri thức cho con người, cho gần ba triệu công viên chức, cho hàng trăm triệu người dân đã trở thành hiện thực”.
Từ xu hướng bùng nổ ứng dụng AI, ngành Thông tin và Truyền thông đang phát triển bốn trợ lý ảo, trước mắt phục vụ người dân và cán bộ công chức.
Thứ nhất là trợ lý ảo hỗ trợ lĩnh vực lập pháp, thông qua việc phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật “vốn đã nhiều đến mức quá sức phát hiện của con người”.
Thứ hai là trợ lý ảo hỗ trợ hành pháp, giúp cán bộ công chức tìm ra câu trả lời từ các quy định pháp luật liên quan. “Trợ lý ảo sẽ giống như mặt bằng kiến thức của cán bộ công chức. Làm việc với trợ lý ảo giống như đứng trên một hệ thống kiến thức, chất lượng cán bộ công chức vì vậy được nâng lên đáng kể”, ông Hùng nói.
Thứ ba là trợ lý ảo ngành tư pháp, hỗ trợ thẩm phán trong việc tra cứu pháp luật (như án lệ, bản án liên quan, giải đáp tình huống pháp lý), hỗ trợ công việc của thẩm phán. Trợ lý ảo này đã được đưa vào hoạt động và giúp giảm thời gian xử lý của thẩm phán giảm tới 30%.
Cuối cùng là trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân, trả lời các câu hỏi liên quan đến pháp luật, quy định của nhà nước. “Mặt bằng dân trí được nâng cao cũng là cách để thúc đẩy chất lượng đội ngũ cán bộ công chức”, Bộ trưởng khẳng định.
Năm nay đánh dấu năm thứ tư Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhận định 2023 là năm chuyển đổi số của Việt Nam “trở thành toàn dân và toàn diện”.
Mục tiêu phổ cập số được xác định là trọng tâm, với gần 100.000 tổ công nghệ số cộng đồng tại từng thôn bản để hướng dẫn người dân chuyển đổi số. Ông Hùng cũng nhấn mạnh muốn chuyển đổi số nhanh và bền vững phải “đi đều hai chân”, tức vừa phổ cập những vấn đề cơ bản thông qua các nền tảng số dùng chung toàn quốc, vừa đi nhanh về cái mới thông qua thử nghiệm.
Từ năm ngoái, Việt Nam chọn 2023 là năm dữ liệu số quốc gia. Theo Bộ trưởng, kinh tế số cần dựa trên tài nguyên mới là dữ liệu. “Tài nguyên này do con người tạo ra, không bị cạn kiệt. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, con người thay vì làm cạn kiệt tài nguyên thì tạo ra tài nguyên để phát triển”, ông nói.
Về việc phát triển các nền tảng trong nước, Bộ trưởng Hùng cho rằng đây là lời giải chính và đột phá cho chuyển đổi số Việt Nam bởi “trong không gian mạng, người nào nắm nền tảng số người đó sẽ nắm dữ liệu, và vì nắm dữ liệu mà quyết định tất cả”.
“Quốc gia muốn thịnh vượng đều phải thịnh vượng trên không gian mạng. Việt Nam muốn trở thành nước phát triển có thu nhập cao bắt buộc phải chuyển đổi số”, Bộ trường Nguyễn Mạnh Hùng kết luận.
Lưu Quý
Vnexpress.net